1. Các dạng ngộ độc thực phẩm
Ngộ độc thực phẩm có thể chia làm 2 loại cấp và mạn tính.
- Đối với ngộ độc cấp: Là dạng ngộ độc phát tác ngay sau khi ăn với những biểu hiện như mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, đại tiện liên tục tiêu lỏng… Một số trường hợp ngộ độc thực phẩm không được sơ cứu đúng, cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
- Đối với ngộ độc mạn tính: Là dạng ngộ độc không có dấu hiệu rõ ràng và không có biểu hiện ngay sau khi ăn. Ở thể mạn tính, các chất độc sẽ tích tụ ở các bộ phận trong cơ thể, gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, về lâu dài sẽ dẫn đến ung thư và các bệnh tật nguy hiểm khác.
2. Nhận diện nguyên nhân gây bệnh
Ngộ độc thực phẩm là tình trạng tổn thương hay làm tử vong do ăn, uống phải độc chất có trong thức ăn.
Trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Trong đó, thường gặp nhất là nguyên nhân do vi khuẩn và hóa chất trong thức ăn.
- Đối với ngộ độc do vi khuẩn thường chiếm tỉ lệ cao hơn, điều này cho thấy thực phẩm không được vệ sinh sạch sẽ là môi trường ủ bệnh của vi khuẩn. Các loại thực phẩm giầu đạm dễ gặp như: thịt, cá, trứng, sữa… sẽ có nhiều loại vi khuẩn thường phát triển.
- Các vi khuẩn thường là: vi khuẩn E.coli, Salmonella, nhiễm độc do tụ cầu hoặc vi khuẩn Escherichiacoli… sẽ gây ra những triệu chứng nguy hiểm cho người ăn phải thực phẩm này.
- Đối với tình trạng ngộ độc thực phẩm do hóa chất ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ. Ví dụ ăn phải thức ăn chứa nhiều hàn the, formol, thuốc trừ sâu, màu thực phẩm… người bệnh sẽ mắc các bệnh mạn tính, thậm chí gây ung thư, biến đổi gen.
3. Biểu hiện cụ thể và nguồn gốc của tác nhân gây ngộ độc thực phẩm
+ Đối với nguồn thực phẩm chứa mầm bệnh là Staphylococcus aureus (Staph): Thường có trong thực phẩm không được nấu chín kỹ, chẳng hạn như thịt thái lát, bánh pudding, bánh ngọt và bánh sandwich.
Khi đó thời gian xuất hiện và triệu chứng điển hình ngộ độc từ 30 phút - 6 giờ với biểu hiện buồn nôn, nôn và co thắt dạ dày, hầu hết mọi người cũng bị tiêu chảy.
+ Đối với nguồn thực phẩm chứa mầm bệnh là Clostridium perfringens: Các thực phẩm thường có là thịt bò hoặc thịt gia cầm, đặc biệt là thịt nướng, thực phẩm sấy khô hoặc sơ chế.
Khi đó thời gian xuất hiện và biểu hiện điển hình ngộ độc là 6 - 24 giờ với đặc trưng tiêu chảy, co thắt dạ dày. Nôn và sốt thường không phổ biến, các triệu chứng thường bắt đầu đột ngột và kéo dài dưới 24 giờ.
+ Đối với nguồn thực phẩm chứa mầm bệnh là Norovirus: Có trong thực phẩm bị ô nhiễm như: rau xanh, trái cây tươi, động vật có vỏ (như hàu) hoặc nước bẩn và các nguồn chăm sóc người bị nhiễm bệnh, chạm vào bề mặt bị ô nhiễm. Thời gian xuất hiện và biểu hiện điển hình ngộ độc là 12 - 48 giờ với biểu hiện tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày, nôn.
+ Đối với nguồn thực phẩm chứa mầm bệnh là Salmonella: Thường có trong thực phẩm như: Gà, gà tây, thịt sống, nấu chưa chín; Thịt, trứng, sữa và nước trái cây đóng gói chưa tiệt trùng; Trái cây và rau sống… Thời gian xuất hiện và biểu hiện điển hình ngộ độc là 6 giờ - 4 ngày với biểu hiện tiêu chảy, sốt, co thắt dạ dày, nôn mửa.
+ Đối với nguồn thực phẩm chứa mầm bệnh là Clostridium botulinum (Botulism): Thường có trong thực phẩm đóng hộp hoặc lên men không đúng cách, rượu sản xuất lậu.
Thời gian xuất hiện và biểu hiện điển hình ngộ độc là 18 - 36 giờ với biểu hiện nhìn đôi hoặc mờ, mí mắt rủ xuống, nói chậm, khó nuốt, thở và khô miệng, yếu cơ và tê liệt và các triệu chứng bắt đầu nặng dần khi mức độ ngộ độc tăng lên.
+ Đối với nguồn thực phẩm chứa mầm bệnh là vi khuẩn Campylobacter: Thường có trong thịt gia cầm sống hoặc chưa nấu chín, sữa tươi (chưa tiệt trùng) và nước bị ô nhiễm. Thời gian xuất hiện và biểu hiện điển hình ngộ độc là 2 - 5 ngày với biểu hiện tiêu chảy (thường ra máu), đau quặn/đau bụng, sốt.
+ Đối với nguồn thực phẩm chứa mầm bệnh là E.coli ( Escherichia coli ): Thường có trong thịt bò sống hoặc chưa nấu chín, sữa tươi chưa tiệt trùng và nước trái cây, rau sống và rau mầm sống, nước bị ô nhiễm.
Thời gian xuất hiện và biểu hiện điển hình ngộ độc là 3 - 4 ngày với biểu hiện đau bụng dữ dội, tiêu chảy thường ra máu và nôn. Khoảng 5 - 10% số người được chẩn đoán nhiễm trùng này sẽ phát triển biến chứng đe dọa tính mạng.
Và điều thường thấy là tất cả những loại vi khuẩn trên đều là thủ phạm gây ra tình trạng ngộ độc, nếu không được cứu chữa kịp thời và đúng cách, người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong rất cao.
4. Lời khuyên thầy thuốc
Khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm cần phải ngừng ngay không ăn món đó nữa. Nhanh chóng làm cho chất độc lẫn trong thức ăn đào thải ra ngoài, bằng cách dùng ngón tay ngoáy vào vòm họng ở gốc lưỡi, kích thích để nôn ra thức ăn. Sau đó cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn, điều trị cụ thể.
Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người dân chú ý:
- Không nên mua thực phẩm chưa qua kiểm dịch.
- Tránh chọn rau củ dập nát, thịt, hải sản có mùi khác lạ.
- Khi chế biến cần phải phải sạch sẽ, tránh cất giữ thực phẩm sống và chín gần nhau.
- Cần có ý thức giữ gìn vệ sinh trong ăn uống, trong chế biến cũng như trong chọn lựa thực phẩm, chú ý chất lượng cũng như hạn dùng, tuyệt đối không ăn những thức ăn lạ, giữ sạch bát, đĩa, xoong, nồi đựng thức ăn, nấu chín, đun sôi trước khi ăn.
- Đậy kỹ thức ăn, tránh ruồi, gián, chuột... tạo thói quen rửa tay trước khi cho ăn và sau khi đi vệ sinh.
- Nếu phát hiện nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm hoặc có các biểu hiện sau khi ăn như: tiêu chảy, nôn và sốt không nên chần chừ, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất.