Khi bị ho, nhất là có đờm, mọi người thường dùng siro để làm giảm triệu chứng và hỗ trợ điều trị. Siro tương đối lành tính, dễ uống và ít tác dụng phụ nên được nhiều người lựa chọn.
Ngoài ra, một số người còn tự làm siro theo các bài thuốc dân gian. Tuy nhiên, nếu làm và dùng không đúng cách, bệnh không thuyên giảm mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì vậy, cần cẩn trọng và chú ý khi làm, sử dụng siro tự làm tại nhà.
1. Ho nguyên nhân do đâu?
Ho là phản ứng của cơ thể giúp làm sạch cổ họng khỏi chất nhầy hoặc chất kích thích lạ. Ho kéo dài dưới ba tuần là ho cấp tính. Hầu hết các cơn ho sẽ hết hoặc ít nhất là cải thiện đáng kể trong vòng hai tuần. Nếu ho kéo dài dai dẳng quá 8 tuần thì được gọi là ho mãn tính.
Nguyên nhân gây ra triệu chứng ho khá phổ biến, cụ thể:
- Do virus và vi khuẩn: Nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng ho là nhiễm trùng đường hô hấp, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc cúm.
Nhiễm trùng đường hô hấp thường do virus gây ra và có thể kéo dài từ vài ngày đến một tuần. Nhiễm trùng do cúm có thể mất nhiều thời gian hơn để hồi phục hoặc có thể cần dùng đến kháng sinh.
- Hen suyễn: Đây cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng ho. Tuy nhiên khi bị hen suyễn, người bệnh thường bị ho đi kèm theo là thở khò khè.
- Khói thuốc, ô nhiễm: khi tiếp xúc với nhiều khói thuốc hoặc ô nhiễm cũng có thể gây ra triệu chứng ho nhưng thông thường các cơn ho sẽ không kéo dài.
- Một vài nguyên nhân khác như chảy nước mũi sau, viêm phổi, ho gà, viêm thanh khí phế quản, trào ngược dạ dày, ...
2. Các loại siro hỗ trợ điều trị ho tự làm tại nhà
Theo phương pháp dân gian, có một số loại siro có thể làm từ các nguyên liệu tự nhiên, chẳng hạn:
2.1. Siro mật ong, chanh và gừng
Mật ong, chanh và gừng đều có tính kháng khuẩn nên thường được sử dụng để hỗ trợ làm giảm các triệu chứng bệnh hô hấp như cảm lạnh, cảm cúm, …
Để làm loại siro này, mọi người cần chuẩn bị một số nguyên liệu như gừng, mật ong nguyên chất, chanh và nước.
Các bước thực hiện:
- Gọt sạch vỏ gừng và cắt thành các lát mỏng. Sau đó, bào mỏng vỏ chanh, dùng khoảng 2 quả chanh tươi.
- Dùng khoảng 250ml nước, cho gừng và chanh vừa sơ chế bỏ vào và đun sôi.
- Để sôi trong khoảng 5 phút rồi sau đó lọc sạch cặn, lấy nguyên nước.
- Cho mật ong nguyên chất vào nồi và đun ở nhiệt độ thấp, không để sôi. Tiếp đó trộn đều mật ong với nước gừng, vỏ chanh vừa thu được cùng nước cốt chanh (2 quả).
- Khuấy đều hỗn hợp với lửa nhỏ trong vòng vài phút. Tắt bếp để nguội rồi sau đó cho vào lọ bảo quản và sử dụng hàng ngày.
2.2. Siro húng chanh, mật ong
Húng chanh và mật ong có những hoạt chất tương tự như một loại kháng sinh tự nhiên, hỗ trợ giảm đờm, chất nhầy, viêm hiệu quả.
Nguyên liệu chuẩn bị làm siro trị ho từ húng chanh và mật ong bao gồm: 15 đến 20 lá húng chanh, 2 muỗng mật ong nguyên chất, 250ml nước.
Cách thực hiện:
- Rửa sạch lá húng chanh, sau đó thái nhỏ
- Trộn 2 muỗng mật ong với húng chanh, sau đó cho vào bát, đặt vào một nồi nước khoảng 250ml. Đun sôi trong khoảng 7 - 10 phút, hỗn hợp thu được trong bát là siro mà bạn sử dụng.
Cách làm này khá đơn giản, nên mỗi ngày sử dụng bạn nên làm mới, không cần làm nhiều và bảo quản.
3. Sai lầm khi dùng siro hỗ trợ điều trị ho tự làm tại nhà
Các loại siro làm tại nhà đều có những công dụng nhất định trong việc làm giảm triệu chứng ho. Nhưng khi sử dụng siro, một số người bệnh vẫn có những quan điểm sai lầm, dẫn tới tình trạng ho khó thuyên giảm, cụ thể:
- Siro tự làm tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị, không thay thế cho các chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, một số người bệnh lạm dụng việc dùng siro làm tại nhà mà bỏ qua các loại thuốc mà bác sĩ chỉ định sử dụng.
- Siro chỉ phù hợp cho những người bị ho do virus, vi khuẩn và các triệu chứng ở mức độ nhẹ. Những trường hợp ở mức độ nặng hơn hoặc ho do viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), … cần điều trị từ thuốc, siro hầu như không có tác dụng với trường hợp này.
- Siro được làm từ các nguyên liệu tự nhiên theo phương pháp dân gian nên để đạt được hiệu quả cần kiên trì sử dụng. Vì vậy, nhiều người thường chỉ sử dụng trong vài ngày nên thường sẽ không thấy được hiệu quả.
4. Lưu ý khi sử dụng siro hỗ trợ điều trị ho tự làm tại nhà
Để tránh ảnh hưởng đến sức khoẻ, khi sử dụng các loại siro tự làm từ các nguyên liệu tự nhiên, mọi người nên lưu ý một số vấn đề sau:
- Những loại siro làm từ mật ong, không nên cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng, vì có thể gây ngộ độc.
- Mặc dù hiếm gặp nhưng nếu có những phản ứng bất thường sau khi sử dụng siro tự làm, mọi người nên dừng phương pháp này và đến bệnh viện để được kiểm tra.
- Sau khi áp dụng một tuần mà không đạt được hiệu quả, mọi người nên ngưng sử dụng và đến bệnh viện để chẩn đoán chính xác bệnh và hướng điều trị phù hợp.
- Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng, đặc biệt cần hỏi ý kiến của bác sĩ liệu thuốc sử dụng kèm theo có tác dụng với siro hay không.
Có thể nói rằng, siro tự làm tại nhà có thể hỗ trợ làm giảm triệu chứng ho. Tuy nhiên, cần xác định nguyên nhân gây bệnh, siro chỉ có tác dụng đối với một số trường hợp viêm do vi khuẩn, virus. Để điều trị ho một cách tốt nhất, các bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và tư vấn điều trị.