Các bậc cha mẹ thường hay chủ quan khi thấy trẻ đau bụng bất thường. Điều này hết sức nguy hiểm. Nếu trẻ bị đau bụng ngoại khoa như viêm tắc ruột, viêm ruột thừa mà không được phát hiện sớm, điều trị dễ dẫn tới biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng mà dễ bị bỏ qua là viêm ruột thừa…
Ruột thừa (ruột dư) là một đoạn ruột hẹp, kín, tận cùng, dài khoảng vài centimet và bám dính vào manh tràng (đoạn đầu tiên của ruột già). Lớp lót bên trong lòng ruột thừa tiết ra ít chất nhầy và chảy vào manh tràng.
Thành của ruột thừa chứa mô bạch huyết, là một phần của hệ miễn dịch sản xuất kháng thể. Giống như những đoạn còn lại của đại tràng (ruột già) thì thành của ruột thừa cũng có chứa lớp cơ nhưng lớp cơ này phát triển kém. Khi hoạt động mở của chiếc túi cùng này bị cản trở, ruột thừa sưng lên và có thể dễ bị nhiễm khuẩn bởi vi khuẩn.
Ruột thừa bị viêm chính là do lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn. Sau khi hiện tượng tắc nghẽn xảy ra, các vi khuẩn bình thường thường trú trong lòng ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột thừa. Cơ thể đáp ứng với hiện tượng xâm lấn này bằng cách tấn công các vi khuẩn.
Hiện tượng tấn công các vi khuẩn đó được gọi là viêm. Nếu hiện tượng viêm và nhiễm khuẩn lan rộng đến thành ruột thừa thì ruột thừa sẽ bị vỡ ra. Sau khi ruột thừa vỡ, nhiễm khuẩn sẽ lan rộng vào trong ổ bụng.
Tuy nhiên hiện tượng nhiễm khuẩn này thường giới hạn thành một vùng nhỏ xung quanh ruột thừa được gọi là áp xe quanh ruột thừa. Nếu ruột thừa bị nhiễm khuẩn không được cắt bỏ, nó có thể vỡ và truyền vi khuẩn đi, gây nhiễm khuẩn khắp vùng bụng, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Biểu hiện viêm ruột thừa
Đối với trẻ nhỏ, dấu hiệu nhân biết viêm ruột thừa khá đặc trưng: đau bụng. Trẻ kêu đau bụng tự nhiên, lúc đầu có thể đau vùng thượng vị hay quanh rốn, nhưng sau đau khu trú ở vùng hố chậu phải, đau âm ỉ. Trẻ buồn nôn và nôn.
Ở trẻ em có khi thấy đi tiêu lỏng hay bị tiêu chảy. Sốt nhẹ khoảng 37,5o - 38,5oc; trẻ sẽ bị sốt cao khi ruột thừa sắp vỡ hoặc đã vỡ. Môi khô, lưỡi bẩn, hơi thở hôi đó là trẻ bị đau bụng vùng xung quanh rốn, sốt nhẹ, không muốn ăn, buồn nôn, nôn. Bụng trẻ trương cứng. Do chủ quan nên nhiều bậc cha mẹ tự chẩn đoán bệnh cho con dẫn tới tình trạng ruột thừa bị vỡ, gây những biến chứng khôn lường.
- Vỡ ruột thừa: Biến chứng này có thể gây ra áp xe quanh ruột thừa hoặc nặng hơn là viêm phúc mạc lan tỏa.
- Tắc ruột: Biến chứng này ít gặp hơn. Tắc ruột xuất hiện khi hiện tượng viêm xung quanh ruột thừa làm cho cơ của thành ruột ngưng hoạt động, ngăn cản không cho các thành phần bên trong lòng ruột được đẩy đi.
- Nhiễm khuẩn huyết: Là hiện tượng vi khuẩn gây nhiễm khuẩn từ ruột thừa vào dòng máu và đi khắp cơ thể. Đây là một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng.
Không có cách nào để ngăn ngừa viêm ruột thừa, nhưng với các phương pháp kiểm tra và xét nghiệm hiện đại hiện nay, cùng với kháng sinh, hầu hết các trường hợp bệnh viêm ruột thừa có thể được xác định và điều trị mà không gây biến chứng.
Trẻ càng nhỏ, viêm ruột thừa càng nguy hiểm. Hiện nay, mổ viêm ruột thừa là một phẫu thuật rất đơn giản. Đặc biệt với phương pháp mổ nội soi, khả năng hồi phục sau mổ của bệnh nhân rất nhanh, đảm bảo thẩm mỹ và tránh được những biến chứng sau mổ.
Các bác sĩ khuyến cáo, viêm ruột thừa không thể phòng nên việc phát hiện sớm để giải quyết kịp thời trước khi ruột thừa vỡ là rất quan trọng, đặc biệt với trẻ nhỏ. Vì vậy khi thấy trẻ có dấu hiệu đau bụng nhói ở vùng quanh rốn, hãy đưa trẻ tới bệnh viện để được bác sĩ khám, chẩn đoán và can thiệp kịp thời.