Trẻ ăn dặm không có muối thì sẽ không đủ sức khỏe?
Quan niệm này về mặt y học cũng có thể nói là đúng ở một mức độ nhất định, bởi vì thành phần của muối chính là natri clorua, trong khi đó, natri là một nguyên tố vi lượng không thể thiếu cho cơ thể con người.
Nếu bị thiếu chất này sẽ dễ bị rối loạn chất điện giải khiến bạn cảm thấy mệt mỏi như không có sức.
Tuy nhiên, trẻ nhỏ đặc biệt là trẻ sơ sinh thì lượng hoạt động thể chất không lớn nên thực tế không cần dung nạp quá nhiều natri. Hơn nữa, không ít loại thức ăn vốn đã có chứa thành phần natri trong đó nên nhìn chung đã hoàn toàn đủ cho nhu cầu của trẻ. Chính vì vậy, việc nêm muối cho bé ăn dặm là không cần thiết để tránh sinh ra tác dụng phụ.
Nếu không nêm muối, đồ ăn không có mùi vị đậm đà thì trẻ không thích ăn?
Quan niệm này hoàn toàn sai lầm. Bởi vì khẩu vị của trẻ nhỏ không giống với người lớn.
Vị giác của trẻ nhạy cảm hơn rất nhiều và có thể phân biệt rõ hương vị nguyên chất của những thức ăn khác nhau. Cho dù là thức ăn nhạt, trẻ vẫn có thể cảm nhận mùi vị trong đó.
Cho trẻ ăn muối quá sớm có hại gì?
Tuy natri là nguyên tố vi lượng cần thiết cho con người nhưng không cần bổ sung quá nhiều. Hệ tiêu hóa và chức năng thận ở trẻ còn chưa phát triển hoàn thiện, nếu nêm muối vào thức ăn dặm quá sớm sẽ gây ra gánh nặng không nhỏ cho thận và cả tim mạch, bất lợi đối với sức khỏe trẻ nhỏ.
Ngoài ra, nếu bạn tập cho trẻ thói quen ăn mặn với nhiều muối sẽ tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh cao huyết áp khi trưởng thành. Như vậy, không nên thêm muối vào thức ăn dặm của trẻ. Trên thực tế, trẻ không cần thiết phải có muối trong thức ăn mới ăn ngon miệng như người lớn.
Trẻ mấy tuổi thì có thể ăn muối?
Các chuyên gia sức khỏe trên Sohu cho biết, nhu cầu dung nạp natri mỗi ngày ở trẻ trong khoảng 1 tuổi là 350mg. Nhìn chung, hàm lượng natri trong sữa mẹ và sữa bột hoàn toàn đáp ứng đủ nên không nhất thiết thêm muối ngoài vào thức ăn dặm.
Trẻ từ 1 đến 3 tuổi thì nhu cầu đối với natri là 700mg/ngày. Giai đoạn này mẹ có thể bắt đầu nêm thêm muối vào thực phẩm của trẻ nhưng nên dùng một lượng nhỏ và phải đảm bảo cân bằng dinh dưỡng với các nguyên tố khác.
Ngoài ra, trẻ dưới 1 tuổi thì ngoài muối cũng không nên nêm thêm bất cứ gia vị nào vào thức ăn dặm, bao gồm nước tương, bột ngọt dù đó là sản phẩm được quảng cáo “dành riêng cho trẻ nhỏ”.
Nguyên tắc cần nhớ khi nêm muối vào thức ăn dặm cho trẻ
Liều lượng phải ít hơn so với người lớn
Độ nhạy cảm với gia vị của trẻ nhỏ thường cao hơn so với người lớn. Vì vậy, khi hàm lượng muối trong thức ăn đạt khoảng 0.25% thì người lớn có thể không cảm thấy mặn nhưng trẻ lại hoàn toàn cảm nhận được.
Căn cứ vào tình hình sức khỏe của trẻ
Nếu trẻ mắc các bệnh như tim mạch, viêm thận, viêm nhiễm đường hô hấp thì mẹ cần thận trọng kiểm soát tốt lượng muối trong thức ăn của trẻ. Ngược lại, nếu trẻ bị đau bụng, tiêu chảy, nôn hoặc đổ nhiều mồ hôi trong mùa nóng thì có thể tăng thêm một chút muối so với mức thông thường.
Chú ý thành phần muối “ẩn” trong nguyên liệu thực phẩm
Nhiều loại thực phẩm bản thân vốn đã chứa thành phần muối, chẳng hạn như rau cần, rong biển khô, cá, các loại thịt giàu protein v.v…
Vì vậy, khi nấu nướng, mẹ cần hạn chế lượng muối nêm vào thức ăn này. Ngoài ra, bánh quy, bánh mì, phô mai, khoai tây chiên v.v… các món ăn vặt này cũng chứa khá nhiều muối, mẹ không nên cho trẻ ăn quá nhiều.