Phụ Nữ Sức Khỏe

Học ở trường chưa đủ, trẻ quay cuồng gần chục buổi học thêm mỗi tuần

Cảm thấy việc học ở trường sẽ không đủ để cạnh tranh, nhiều học sinh chủ động xin gia đình học thêm dù mệt và không còn thời gian nghỉ ngơi.

Điều 4, Thông tư 17 năm 2012 của Bộ GD&ĐT nêu rõ "không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".

Thế nhưng, tình trạng trẻ từ tiểu học đến trung học ngày học ở trường, tối cắp sách học thêm là hình ảnh quen thuộc ở nhiều gia đình.

Trên các diễn đàn phụ huynh và mạng xã hội, không ít các câu chuyện, quan điểm về việc trẻ học thêm kín lịch được chia sẻ. Nhiều người cho rằng học thêm quá mức khiến trẻ áp lực, căng thẳng và mất đi tuổi thơ, nhưng một số người lại nói nếu không học thêm, trẻ rất khó cạnh tranh vì thế hệ mới ngày càng giỏi và am hiểu nhiều kiến thức.

Lịch học thêm dày đặc

Là phụ huynh có con ở độ tuổi đi học, chị Thanh Thủy (sống tại Hà Nội) nói rằng con chị tham gia khá nhiều lớp học thêm. Tuy nhiên, các lớp học này đều do con chị tự lựa chọn và đề xuất, chị và chồng không bắt ép.

Con chị Thủy đang học lớp 7 trường công lập. Ngoài học thêm 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, bé tự đề xuất với cha mẹ việc học thêm môn vẽ và tập võ vì có đam mê với hai bộ môn này. Như vậy, mỗi tuần, con chị Thủy đi học thêm ít nhất 8 buổi, mỗi buổi học kéo dài từ 1,5-2,5 giờ.

Lịch học dày đặc là vậy, nhưng con chị Thủy hiếm khi than thở hay kêu ca vì con đi học xuất phát từ sự yêu thích chứ không phải bị ép buộc. Nhiều lần, chị từng bị ông bà nội ngoại trách vì để con đi học thêm nhiều, nhưng mọi người lại không hiểu chính con muốn học, bản thân chị không hề ép con.

 
Dù biết học thêm sẽ mệt, học sinh vẫn phải cố vì sợ bị bạn bè bỏ xa. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Khác với con chị Thủy, T.N. (học sinh lớp 9 ở Bắc Ninh) lại là một trường hợp cảm thấy hơi quá tải với việc học thêm. Hiện tại, ngoài giờ học chính trên lớp, N. sẽ học thêm 6 buổi với ba môn Toán, Văn, Anh để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10. Nữ sinh kể giờ học thêm của em thường vào buổi tối, sau giờ học chiều trên trường hoặc vào ngày chủ nhật.

“Hiện tại, em chỉ được nghỉ tối thứ hai và chiều, tối thứ bảy. Học nhiều, ít thời gian nghỉ ngơi nên em căng thẳng. Có hôm đi học thêm về mệt quá, em nằm vật ra giường, không muốn ăn uống, tắm giặt gì”, N. chia sẻ.

H.T. (học sinh lớp 10) cũng vừa trải qua kỳ thi tuyển sinh vào THPT đầy căng thẳng ở Hà Nội. Nữ sinh cho biết năm lớp 9, để “vượt vũ môn”, lịch học của em dày đặc từ sáng đến chiều, cả trong tuần lẫn cuối tuần. Em hiếm khi được nghỉ ngơi trọn vẹn, kể cả buổi tối hay ngày nghỉ.

Thời điểm đó, ngoài việc học cả ngày ở trường từ thứ hai đến thứ bảy, T. học thêm 6 buổi mỗi tuần. Giai đoạn cuối, T. tăng lên 8 buổi học thêm để “chạy nước rút”.

“17h15 tan học ở trường, em tiếp tục di chuyển đến lớp học thêm. Hôm nào thầy cô chữa đề, tan học muộn, 21h30 em mới về tới nhà. 22h, em tiếp tục tự học đến khoảng 23h30. Một tuần, chỉ riêng tối thứ 5 là em không đi học thêm”, T. chia sẻ bữa tối của em diễn ra sau giờ học thêm.

Học với cường độ cao, cộng với áp lực thi cử, T. khá căng thẳng. Nhiều hôm thiếu ngủ nên thỉnh thoảng ở trên lớp, em bị đau đầu và không thể tập trung học.

Coi việc học thêm là điều bình thường

Học thêm nhiều môn, nhiều giờ, song H.T. cho rằng việc này là điều quen thuộc và tất yếu với học sinh ngày nay. Không riêng nữ sinh, hầu hết bạn bè xung quanh em đều đi học thêm thay vì chỉ học trên trường.

Rất khó để tìm được học sinh không đi học thêm bất cứ môn gì. Thậm chí, học sinh có lực học khá giỏi trở lên đi học thêm nhiều hơn học sinh có lực học từ trung bình trở xuống bởi mục tiêu của các bạn cao hơn nên đòi hỏi phải cố gắng nhiều hơn.

T. đi học thêm từ năm lớp 1, bắt đầu bằng môn Tiếng Anh. Sau đó lên cấp 2, em học thêm Toán, Văn, Anh và hiện tại là các môn Toán, Lý, Hóa. Nữ sinh thường học thêm với các thầy cô dạy ở trường hoặc bên ngoài.

 
Nhiều học sinh coi việc học thêm là bình thường và xuất phát từ nhu cầu cá nhân. Ảnh minh họa: Khương Nguyễn.

T. cho rằng học thêm xuất phát từ nhu cầu cá nhân, sau đó em đề xuất với bố mẹ để đăng ký. Nữ sinh đánh giá thời gian học ở lớp không đủ để thầy cô truyền đạt hết kiến thức. Bên cạnh đó, em có thể không theo kịp, không hiểu hết bài. Lúc này, đi học thêm là hợp lý bởi em được định hướng, vạch lộ trình học tập rõ ràng, có người hướng dẫn, kiểm tra thay vì ngồi nhà tự mò mẫm tài liệu, bài giảng.

“Em vẫn tự học, tự làm bài tập nhưng nếu có sự hỗ trợ từ thầy cô, em dễ hiểu bài hơn”, nữ sinh nói.

T. cũng chia sẻ rằng nhờ đi học thêm, năm lớp 8, em tiến bộ rõ rệt ở môn Toán. Tư duy tốt hơn, điểm số trên lớp tăng dần khiến em yêu thích môn học này hơn. Ngoài ra, một phần nhờ học thêm, T. đỗ được trường THPT thuộc hàng tốp của quận, bởi kiến thức ở lớp học thêm đa phần là kiến thức nâng cao, học theo định hướng thi chuyển cấp. Thầy cô lớp học thêm cũng dạy kỹ năng làm bài, giúp học sinh làm bài thi tốt hơn.

Chị Thủy cũng chia sẻ điều tương tự. Người mẹ nói rằng kể từ khi chủ động đề xuất việc đi học thêm, con chị hứng thú với việc học và tiến bộ hơn. Điểm số của các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cũng được cải thiện đáng kể khi con học ở trường.

“Con tôi không phải quá thông minh, học một biết mười, mà phải học dần dần mới tiến bộ. Vì thế, dù nhiều khi xót con đi học kín lịch, tôi vẫn không cản mà muốn cổ vũ con cố gắng nhiều hơn. Miễn là con có quyết tâm học, tôi sẵn sàng chi tiền và ủng hộ con”, chị Thủy nói.

Có hay không chuyện không đi học thêm bị giáo viên đì?

Trong khi đó, thừa nhận việc học trên lớp là không đủ, học thêm sẽ được bổ sung nhiều kiến thức, nhất là khi muốn thì vào trường cấp 3 tốp đầu, song T.N. cho hay một phần lý do em đi học thêm là vì sợ giáo viên “đì”.

N. cho hay từ ngày cấp 1, em chỉ đi học thêm đúng một năm lớp 3, còn lại là do chị gái kèm cặp. Nhưng đến năm lớp 7, cảm nhận giáo viên môn Toán không hài lòng khi em không đi học thêm, nữ sinh mới chia sẻ với mẹ, rồi đăng ký học đến tận bây giờ.

“Hồi đó, cứ đến tiết Toán là em sợ, sau đi học thêm rồi mới đỡ. Tất nhiên, học thêm giúp em học tốt hơn, nhưng em không toàn toàn muốn. Hiện tại, học thêm 6 buổi/tuần, em ‘siêu mệt’, muốn nghỉ bớt nhưng cũng sợ cô ghim”, N. chia sẻ.

H.T. cũng từng gặp trường hợp tương tự khi học cấp 2, em không đi học thêm giáo viên dạy trên trường. Song T. cho rằng việc này chỉ xảy ra cá biệt ở một số giáo viên, không thể đánh đồng rằng việc dạy thêm, học thêm là tiêu cực.

“Thời điểm đó, em không bị ảnh hưởng nhiều. Quan trọng với em là giáo viên dạy thêm phải phù hợp, nếu không ổn, em sẵn sàng xin bố mẹ chuyển thầy cô khác”, T. chia sẻ.

Theo Thái An - Ngọc Bích/Tri thức

Tin liên quan

Quảng Nam: Người dân ‘kêu trời’ khi chứng kiến cảnh tượng mưa lớn như trút, nước chảy như thác đổ...

Từ sáng nay, tại khu vực đảo Cù Lao Chàm (xã Tân Hiệp, TP Hội An) có mưa rất lớn,...

Hé lộ cuộc gọi cuối cùng của cô gái bị nhóm quái xế tông tử vong: 'Dọn nhà làm đám...

3 ngày sau vụ tai nạn cô gái bị “quái xế” tông tử vong ở Hà Nội, sáng ngày 5/11,...

Nổ bình gas, chồng bỏng 92% vẫn cố gắng quay lại cứu vợ rồi tử vong thương tâm

Sau khi thoát được ra ngoài nhưng thấy vợ không thể di chuyển, người đàn ông đã vội vã quay...

Hàng chục học sinh mầm non phải nhập viện cấp cứu, nghi do ăn nhầm thuốc diệt chuột

Vào trưa ngày 5/11, các cháu đang được cấp cứu tại khoa Nhi. Rất đông người thân của các cháu...

Bác sĩ Chợ Rẫy 'giải oan' cho cô gái bị lầm tưởng mắc tâm thần

Cô gái 24 tuổi đột ngột sa sút trí tuệ, được chẩn đoán mắc tâm thần. Người mẹ kiên trì...

Sống cùng vợ và lén lút với 4 người tình trong một khu nhà suốt 4 năm

Trong 4 năm, người đàn ông ở tỉnh Cát Lâm (Trung Quốc) qua lại giữa vợ và 4 nhân tình...

Lấy dị vật là xiên que đâm từ mũi đến hốc mắt bé gái 5 tuổi

Bé gái 5 tuổi ăn xiên que thịt nướng không may bị phần đầu nhọn đâm xuyên từ mũi đến...

Tin mới nhất

Tin Phụ Nữ Và Gia Đình