Ông Phạm Đình Tuyển (62 tuổi, ở Phú Thọ) biết mình bị sỏi thận từ lâu và từng đi khám ở một vài bệnh viện. Ông được bác sĩ tư vấn điều trị, tán sỏi nhưng đã từ chối làm theo. Ông nói rằng, ở quê ông có nhiều người bốc thuốc "mát tay", sỏi dù to hay nhỏ chỉ cần uống thuốc nam là đẩy được ra ngoài. Vì thế, ông về quê cắt thuốc uống.
Sau vài tháng uống thuốc nam, ông Tuyển đinh ninh sỏi đã ra hết nên không đi kiểm tra. Để cho chắc, ông cắt thêm vài thang thuốc nữa về uống cho thận được sạch. Thế nhưng, bụng người đàn ông lớn dần, cơn đau ở trên hông thốc ra sau lưng ngày càng dữ dội.
Khi không thể chịu đựng được, hết đợt nghỉ Tết vừa rồi, ông Tuyển xuống Bệnh viện E thăm khám. Các bác sĩ vô cùng bất ngờ khi phát hiện một quả thận của người đàn ông này đã mất hoàn toàn chức năng, đồng thời còn căng tròn to hơn cả đầu người.
TS.BS Nguyễn Đình Liên - Trưởng khoa Phẫu thuật tiết niệu và Nam học (Bệnh viện E) cho biết, bệnh nhân do bỏ điều trị tây y, uống thuốc nam khiến cho sỏi thận rơi xuống niệu quản, từ đó gây nên tình trạng thận bị ứ nước, mất chức năng. “Với trường hợp này, không còn cách nào khác là phải cắt bỏ thận và cố gắng bảo tồn quả thận còn lại”, bác sĩ Liên chia sẻ.
Bác sĩ Liên thông tin thêm, đây không phải là trường hợp hiếm gặp, trước đó cũng có người phụ nữ dù biết bệnh của mình nhưng không điều trị, về nhà uống thuốc nam, sau khoảng 6 tháng quay trở lại thì hai quả thận đã mất chức năng hoàn toàn, có chỉ định phải ghép thận. Trong thời gian chờ ghép, bệnh nhân phải chạy thận định kỳ theo chỉ định của bác sĩ.
Theo bác sĩ Liên, hiện nay việc điều trị sỏi thận bằng thuốc nam rất phổ biến và quả thực có người uống thuốc đã thải ra được cả viên sỏi nhưng đó là trường hợp may mắn. “Thực tế lâm sàng cho thấy, có những viên sỏi khi đã bị can-xi hóa sẽ rất cứng, cho axít vào cũng không tan, phải dùng đến laser để phá sỏi. Với những loại sỏi đó dù uống bao nhiêu thuốc nam cũng không thể ra được sỏi”, bác sĩ Liên cảnh báo.
Bác sĩ Liên cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây sỏi thận như dị dạng đường tiết niệu, rối loạn chuyển hóa gây tăng can-xi máu, can-xi niệu... Ngoài ra, yếu tố gia đình, môi trường lao động nóng bức, yếu tố nhiễn trùng, thói quen ăn uống không khoa học, lười uống nước và vận động gây ra ứ đọng nước tiểu cũng làm tăng yếu tố nguy cơ sỏi thận.
Theo bác sĩ Liên, thói quen ăn uống cũng cũng góp phần tăng nguy cơ gia hình thành sỏi thận. Ảnh minh họa.
"Thói quen ăn uống cũng liên quan tới nguy cơ sỏi thận. Nhiều người ăn mặn khiến nước tiểu cô đặc sẽ tạo ra sỏi. Hay chế độ ăn của người Việt đang ngày càng Tây hóa (ăn nhiều đồ chiên rán, thịt đỏ, thịt nguội) cũng tăng nguy cơ hình thành sỏi. Tuy nhiên, chế độ ăn chỉ là một yếu tố nguy cơ tham gia vào quá trình hình thành sỏi", bác sĩ Liên cho hay.
Khi bị sỏi thận, triệu chứng điển hình của bệnh là đau vùng hông lưng. Trường hợp khi sỏi di chuyển xuống niệu quản sẽ gây ra cơn đau quặn thận: Đau đột ngột lan ra sau lưng và lan xuống vùng hông. Nếu sỏi xuống niệu quản sẽ dẫn tới đi tiểu lắt nhắt rất khó chịu.
Để phòng bệnh, bác sĩ Liên khuyến cáo mọi người cần tránh chế độ ăn độc hại như dùng thức ăn có tồn dư chất hóa học, chứa chất bảo quản không được cho phép; Không ăn quá nhiều thịt, nhất là thịt chế biến sẵn; Tăng cường ăn nhiều rau xanh; Duy trì lối sống lành mạnh như tập luyện thể thao thường xuyên, ngủ đúng giờ và đủ giấc; Uống đủ nước mỗi ngày.
“Hiện nay, việc điều trị sỏi thận và các bệnh về thận đã có nhiều bước tiến mới, ví dụ như điều trị nội soi để giảm đau đớn cho người bệnh. Vì thế, khi bị sỏi thận hoặc có dấu hiệu bệnh thận, mọi người nên đi khám và điều trị sớm để bảo vệ hai quả thận của mình”, bác sĩ Liên nhắn nhủ.