Hơn 70 tuổi nhưng nhìn bề ngoài ông Trần Mạnh Hùng trông còn khá trẻ. Ông Hùng là người quê gốc ở Nam Định, mới đây, do bị ngã gãy xương nên ông được các con đưa lên Hà Giang bó thuốc và sinh sống. Khi đang sinh hoạt ở nhà các con, ông Hùng bất ngờ lên cơn co giật, miệng méo xệch, mắt trợn ngược, chân tay run cầm cập. Thấy vậy, cả gia đình hô hoán đưa ông đi bệnh viện cấp cứu vì nghĩ bị đột quỵ.
Lúc ấy, thay vì lo lắng, ông Hùng cố gượng dậy trấn an các con: “Cứ bình tĩnh. Bố biết bệnh của bố, chỉ hơn một tiếng là bình thường”. Thấy ông nói vậy, các con cũng sợ vận chuyển đường xa dễ gặp bất trắc nên cho ông lên phòng nằm nghỉ, theo dõi. Quả thật, sau một tiếng, ông Hùng trở lại bình thường như chưa từng có chuyện xảy ra.
Thấy bố như vậy, các con gặng hỏi thì ông Hùng mới chia sẻ: “Đây là lần thứ 3 bố bị như vậy. Trong năm 2023 bị 2 lần, đều co giật cả. Thế nhưng chỉ nằm một lúc lại tỉnh và khỏe mạnh nên không đến viện. Bố nghĩ lần này cũng thế nên mới bảo các con yên tâm và bình tĩnh”
Người đàn ông 3 lần co giật vì thói quen ăn đồ tái sống nhiễm ký sinh trùng sán lợn. Ảnh: Lê Phương.
Các con ông Hùng không yên tâm, ngay hôm sau đưa bố ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang chụp chiếu. Kết quả cho thấy, bệnh nhân có nhiều tổn thương ở não, có thể do sán làm tổ nên đã chuyển về BV Đặng Văn Ngữ để kiểm tra và điều trị. Khi biết nguyên nhân, cả gia đình đều ngã ngửa vì không thể ngờ rằng, thói quen ăn uống bao năm nay lại là nguyên nhân gây bệnh.
Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán ông Hùng bị sán não và cho thuốc điều trị đặc hiệu. Ngồi trên giường bệnh, ông Hùng cho biết: “Tôi mới uống thuốc được 2 ngày nên cơ thể vẫn mệt. Quả thật nghĩ lại những lần bị co giật như vậy vẫn thấy sợ đến run người. Vậy mà không hiểu sao, hết cơn co giật lại hồi phục được ngay”.
Sau khi được bác sĩ giải thích, ông Hùng thừa nhận rằng, từ xưa đến nay ông có thói quen cứ sáng mùng 1 hàng tháng là hẹn bạn bè hưu trí đi ăn tiết canh, mà đã ăn tiết canh là phải có rau sống. Còn tại gia đình, ông cũng ăn tiết canh, thịt bóp tái thường xuyên vì cho rằng, những con vật như lợn, ngan, vịt, ngựa mình nuôi nên sạch, ăn thoải mái
Bác sĩ Phương cho biết, ngay cả sản phẩm nhà làm ra cũng không ăn tái sống. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương - Bệnh viện Đặng Văn Ngữ cho biết, nam bệnh nhân này được chẩn đoán bị sán não do ăn phải ấu trùng sán lợn từ đồ tái sống. Với trường hợp bị sán não tới mức co giật là đã khá nặng, không điều trị kịp thời có thể gây liệt nửa người, hoặc khó khăn trong vận động.
“Khi ấu trùng sán lợn vào cơ thể, chúng phát triển âm thầm, chỉ khi nặng mới có triệu chứng điển hình. Bệnh có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời”, bác sĩ cho hay.
Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm sán não, theo các chuyên gia, cách tốt nhất là thực hiện ăn chín uống sôi, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Đối với người có thói quen ăn đồ tái sống, khi cơ thể xuất hiện dấu hiệu nghi ngờ nhiễm sán cần đi khám chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn cách điều trị. Đặc biệt, người dân cần từ bỏ tư tưởng rằng đồ nhà làm ra là sạch, có thể ăn sống tùy thích. Thực tế, thói quen cho lợn ăn rau có lẫn đất cát hoặc thả rông vật nuôi càng làm tăng nguy cơ nhiễm giun sán.