Nội dung bài viết
Cây bình vôi là cây gì?
Cây bình vôi còn có tên gọi khác là cây củ một, củ mối trôn, tử nhiên, ngải tượng. Cây có tên khoa học là Stephania rotunda Lour, thuộc họ Tiết Dê (Menispermaceae). Đây là một loài thực vật có hoa, có nguồn gốc ở miền Đông và Nam Á, Australia.
Theo Đông y, cây có vị đắng ngọt, tính lương, kinh quy vào 2 kinh Can và Tỳ.
Sở dĩ cây có tên gọi “củ bình vôi” là do phần thân cây dạng củ phình to như chiếc bình vôi. Phần củ này được dùng để bào chế làm thuốc chữa bệnh trong Đông y.
Đặc điểm của cây bình vôi
Cây bình vôi thuộc dạng dây leo và chỉ có một đoạn thân ngắn tiếp xúc với mặt đất. Phần thân củ bình vôi phình to có hình dạng như bình đựng vôi, củ rất to và có hình dáng thay đổi tùy thuộc vào nơi cây phát triển. Củ bình vôi có vỏ ngoài màu nâu đen, bên trong có màu trắng xám, vị đắng.
Lá bình vôi có hình trái tim, mọc so le. Hoa màu xanh nhạt, kích thước hoa nhỏ. Quả bình vôi có hình cầu, khi chín có màu đỏ. Hạt có hình móng ngựa.
Thành phần hóa học của cây bình vôi
Củ bình vôi có tác dụng gì là nhờ vào các thành phần quý bên trong cây. Các nhà nghiên cứu đã phân tích và tìm ra trong cây bình vôi có chứa thành phần hóa học quan trọng đó là alkaloid (1%), bao gồm:
- L-tetrahydropalmatin
- Roemerine
- Rotundin
- Cepharanthin
- Ngoài các Alcaloid, củ bình vôi còn chứa lượng lớn tinh bột, acid hữu cơ và một ít đường.
Từ những năm 1940, nhà khoa học Bùi Đình Sang đã tìm ra một hoạt chất quý trong củ bình vôi và đặt tên cho nó là Rotundin.
Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học Liên xô về tác dụng của hoạt chất Rotundin trong củ bình vôi: Rotundin rất ít độc, có tác dụng an thần kinh và bổ tim mạch.
Phân bố và cách thu hoạch củ bình vôi
Cây bình vôi được phân bố chủ yếu ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là những vùng có núi đá vôi như Lai Châu, Hòa Bình, Ninh Bình…
Cây bình vôi có thể thu hoạch quanh năm làm thuốc. Phần củ quả bình vôi sau khi được thu hái về sẽ được đem đi rửa sạch, cạo bỏ phần vỏ bên ngoài, thái mỏng, đem phơi hoặc sấy khô. Vì củ bình vôi mọng nước, nên khi phơi khô 5kg tươi mới được 1kg khô.
Bảo quản củ bình vôi khô trong hũ thủy tinh hoặc bì ni lông để không bị ẩm mốc. Ngoài ra, có thể dùng củ bình vôi để chiết lấy L-tetrahydropalmatin.
Các đối tượng nên sử dụng củ bình vôi
- Người thường xuyên bị mất ngủ kéo dài, đã dùng nhiều loại thuốc nhưng không có hiệu quả
- Người bệnh động kinh, co giật
- Người bị suy giảm chức năng tiêu hóa, đi cầu phân sống.
- Người mắc viêm phế quản mãn tính, ho hen.
- Người mắc bệnh về tim mạch dùng củ bình vôi rất tốt.
- Người bệnh huyết áp cao.
Củ bình vôi có tác dụng gì?
Y học cổ truyền cho rằng, cây bình vôi có tác dụng an thần, trấn kinh, khắc phục triệu chứng suy nhược, nóng sốt, nhức đầu, rối loạn chức năng tiêu hóa… Đồng thời, các nghiên cứu hiện đại cũng phát hiện và ứng dụng điều chế cây bình vôi thành các bài thuốc an thần, điều trị mất ngủ, suy nhược cơ thể.
1. Củ bình vôi chữa mất ngủ
Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y học Anh vào năm 2006 cho thấy, cây bình vôi có tác dụng an thần, gây ngủ. Các nghiên cứu cũng chỉ ra trong củ bình vôi có chứa lượng lớn L – tetrahydropalmatin, một loại hoạt chất kích thích an thần rất cần thiết trong y học.
Ngoài ra, L – tetrahydropalmatin còn có tác dụng hạ huyết áp, giảm nhiệt độ cơ thể, chữa suy nhược cơ thể, rối loạn tâm thần,…
Còn theo một số nghiên cứu của một số nhà khoa học Nhật Bản, hoạt chất Cepharanthin trong cây bình vôi còn có tác dụng điều hòa hệ tuần hoàn và kích thích sản sinh một số kháng thể có lợi cho người bị mất ngủ.
Để dùng củ bình vôi chữa mất ngủ, bạn có thể lấy củ bình vôi tán bột, ngâm rượu 40 độ với tỉ lệ 1 phần bột 5 hoặc 10 phần rượu, rồi uống với liều 5 - 15ml rượu một ngày. Có thể thêm ít đường cho dễ uống.
Ngoài ra, bài thuốc kết hợp 8g củ bình vôi với hạt sen, long nhãn, nhân hạt táo chua mỗi vị 10 - 15g, lá vông 12g. Sắc uống ngày 1 thang thuốc, uống trong ngày và trước khi ngủ 30 phút. Trị mất ngủ hiệu quả ở người gầy yếu, hay hồi hộp, sợ hãi, đánh trống ngực, ngủ không yên, trí nhớ giảm, tinh thần suy nhược, ăn uống kém, gầy sút, mỏi mệt…
2. Củ bình vôi chữa bệnh gút (bệnh gout, thống phong)
Củ bình vôi có tác dụng gì ngoài chữa mất ngủ: bình vôi rất hiệu quả với người bệnh gút. Một số bằng chứng cho thấy, thành phần L-tetrahydropalmatin trong củ bình vôi có tác dụng hỗ trợ cải thiện rất tốt các triệu chứng của bệnh thống phong.
Tận dụng củ bình vôi chữa gút, bạn có thể làm theo cách sau: rửa sạch củ bình vôi, sau đó cào sạch vỏ bên ngoài, thái mỏng, sấy khô và nghiền thành bột. Bảo quản bột củ bình vôi trong lọ thủy tinh có nắp đậy kín, mỗi lần dùng 1 muỗng nhỏ khoảng 3 – 6g bột để nấu với nước sôi và uống hết trong ngày.
3. Củ bình vôi chữa đau dạ dày
Nói đến tác dụng của cây bình vôi, không thể bỏ qua công dụng khắc phục và điều trị các bệnh về đường tiêu hóa như đau dạ dày hoặc ngộ độc thực phẩm. Bình vôi có hàm lượng dược tính khá cao, các chuyên gia khuyến nghị bệnh nhân không nên lạm dụng chúng.
Để ngăn ngừa hội chứng rối loạn tiêu hóa, dân gian thường dùng cây bình vôi dưới dạng ngâm rượu hoặc sắc lấy nước và sử dụng với liều lượng nhỏ. Cụ thể, người lớn có thể sử dụng với liều lượng 3 – 6g, còn đối với trẻ nhỏ thì nên sử dụng khoảng 0,02 – 0,03g, tùy vào giai đoạn và lứa tuổi.
Những lưu ý khi sử dụng củ bình vôi chữa bệnh
Ngoài một số công dụng hữu ích trên thì các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng chỉ ra trong củ bình vôi có chứa hoạt chất roemerine (một loại alkaloid A) – có tác dụng gây tê niêm mạc và làm giảm nhịp đập của tim. Nếu bệnh nhân sử dụng cây bình vôi ở liều lượng lớn, các alkaloid A có khả năng phát tán độc tính và gây ra hiện tượng co giật.
Trong củ bình vôi cũng có một số ít độc tố tồn tại, vì vậy không nên tự ý sử dụng chúng khi chưa được bác sĩ chỉ định.
Hiện nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào nêu rõ tác dụng phụ của cây bình vôi. Để tìm hiểu rõ hơn, bạn nên tham khảo thông tin trực tiếp từ thầy thuốc hoặc người có chuyên môn đối với từng tình trạng bệnh cụ thể.
Qua bài viết trên, chúng ta đã phần nào hiểu hơn về củ bình vôi có tác dụng gì. Có thể thấy, đây là một loại dược liệu thiên nhiên quý giá, tuy nhiên cây bình vôi có thể gây độc nếu lạm dụng quá nhiều. Vì vậy, trong một số trường hợp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh tác dụng phụ không đáng có.