Dinh dưỡng quý, tốt cho nhiều bệnh
Bác sĩ Nguyễn Văn Quang (Hội Nam y Việt Nam) cho biết trứng chim cút được đông y dùng làm thuốc bồi dưỡng cơ thể và chữa bệnh từ lâu đời, phần lớn là những bài thuốc kinh nghiệm dưới dạng các món ăn - bài thuốc.
Theo y học dân tộc, trứng chim cút bổ ngũ tạng, bổ trung ích khí, dùng bồi dưỡng sức khỏe rất tốt, nhất là đối với những trường hợp sau khi bị bệnh lâu ngày khí huyết hư nhược, tiêu hóa kém và phụ nữ sau khi sinh con cơ thể suy yếu...
Trứng chim cút có giá trị dinh dưỡng rất cao, được đánh giá bổ hơn cả trứng gà. Trứng cút nhỏ chỉ bằng 1/5 quả trứng gà nhưng chứa một lượng vitamin A nhiều hơn trứng gà 2,5 lần.
Lượng vitamin B1, vitamin B2 chứa trong trứng cút cũng cao hơn có trong trứng gà tới 2,8 và 2,2 lần. Các chất photpho, sắt trong trứng cút cao hơn trong trứng gà tới 5 lần.
Đặc biệt, trong trứng cút giàu các chất đồng, coban, niacin, có nồng độ lecithin cao và nhiều axit amin cần thiết nên có tác dụng bồi bổ cơ thể tốt cho những người ốm yếu, trẻ em gầy còm suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai và giúp điều trị chứng liệt dương của nam giới có kết quả.
Nồng độ lecithin cao trong trứng cút có tác dụng làm giảm chất cholesterol trong máu nên trứng cút cũng là món ăn tốt cho những người bị mỡ máu, cao huyết áp, xơ mỡ động mạch. Trứng cút cũng được khuyến khích dùng cho những người bị thiếu máu, nhức đầu nhiều, hen phế quản, viêm dạ dày, tiêu hóa kém.
Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy trứng chim cút có tác dụng làm tăng sức đề kháng với phóng xạ và góp phần loại bỏ các nuclit phóng xạ.
Vì vậy nên bổ sung trứng chim cút trong thực đơn cho những bệnh nhân bị nhiễm bức xạ và những người sinh sống ở những vùng sinh thái bất lợi như các thành phố lớn, nơi mức độ bức xạ thường cao hơn.
ThS Hoàng Khánh Toàn - nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết trong thực liệu học cổ truyền, chim cút được coi là "nhân sâm động vật", còn trứng chim cút vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ ngũ tạng, ích khí huyết, kiện não ích trí, làm mạnh gân cốt.
Với giá trị dinh dưỡng rất cao vượt xa so với các loại trứng gia cầm khác với lượng protit, lipit, sinh tố và các nguyên tố vi lượng phong phú, đặc biệt có chứa nhiều lecithin, trứng chim cút là một trong những loại thực phẩm rất hữu ích cho não bộ.
Về tác dụng trị liệt dương, ích tinh là do trứng chim cút là loại trứng có tác dụng bổ thận dương, ích tinh huyết, điều hòa hai mạch xung và nhâm, là thức ăn rất tốt cho cả hai vợ chồng bị muộn con.
Đó là nhờ trứng cút tính ấm, có công năng ôn bổ dương khí ở mệnh môn nên thận âm theo đó mạnh lên, tinh đầy mà có con.
Trứng cút và thuốc tạo nên công năng kỳ diệu
ThS Hoàng Khánh Toàn nhấn mạnh, y học cổ truyền phối hợp trứng cút với các vị thuốc bổ của đông y tạo nên các món ăn ngon và có tác dụng chữa bệnh rất độc đáo:
- Phục hồi sức khỏe sau ốm nặng: Trứng chim cút 3 quả, đảng sâm 15g, đương quy 12g, đại táo 10 quả. Hầm nhừ các vị, ăn trong nhiều ngày. Phụ nữ sau khi sinh con sức khỏe suy yếu và những người vừa khỏi một bệnh nặng, cơ thể suy nhược, dùng món ăn này sức khỏe sẽ phục hồi nhanh chóng.
- Liệt dương do can thận hư: Lấy 10 quả trứng cút, luộc chín, bóc vỏ. Cho 15g câu kỷ tử, 15g thỏ ty tử vào nồi cùng 10 quả trứng cút đã bóc vỏ, thêm 400ml nước, đun sôi trong 20 phút. Lấy trứng chim cút ăn và chắt nước uống.
Món ăn này có tác dụng bồi bổ can thận, dùng chữa bệnh liệt dương do can thận hư có hiệu quả tốt.
- Suy nhược thần kinh: Trứng chim cút 3 quả, đảng sâm 15g, đương quy 12g, đại táo 10 quả. Tất cả hầm nhừ, ăn trong ngày. Dùng cho các trường hợp mới ốm dậy, sản phụ sau khi sinh con, suy nhược thần kinh.
Hoặc trứng chim cút 4 quả, hạt sen 15g, long nhãn 10g. Trứng chim luộc chín bỏ vỏ, hạt sen bỏ tâm, long nhãn rửa sạch. Tất cả cho vào nồi ninh trong 30 phút, chế thêm một chút đường phèn, ăn cái uống nước.
Công dụng: kiện tỳ ích khí, dưỡng huyết an thần. Dùng cho những người bị suy nhược thần kinh, thường mệt mỏi như mất sức, khó thở, mất ngủ...
- Mất ngủ hay quên: Trứng chim cút 20 quả, nhãn 10 quả, vải 10 quả, hạt sen 20 hạt, đại táo 5 quả, kỷ tử 6g, đường phèn 60g. Trứng chim luộc chín bóc vỏ; nhãn, vải và đại táo bỏ hạt; hạt sen bỏ tâm. Tất cả cho vào nồi cùng đường phèn, chế đủ nước rồi đun nhỏ lửa chừng 30 phút là được, chia ăn vài lần trong ngày.
Công dụng: Kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết, bổ não an thần, dùng cho những người tâm huyết suy nhược, tim hay hồi hộp, mất ngủ, hay quên, ăn kém, đại tiện lỏng loãng.
- Cao huyết áp: Trứng chim cút 5 quả luộc, bỏ vỏ, nấu với bột đỗ trọng 10g và nước dùng gà 200ml, thêm hành, gừng, muối, gia vị thành món ăn - vị thuốc bổ gan thận và hạ huyết áp; với mộc nhĩ trắng 15g để tăng cường khí huyết, mát da thịt.
- Làm việc, học tập căng thẳng: Trứng chim cút 20 quả, thục địa 20g, kỷ tử 30g, hoài sơn 30g, hành, gừng, gia vị vừa đủ. Trứng chim luộc chín, bóc bỏ vỏ rồi cho cùng các vị thuốc vào nồi đất với một lượng nước vừa đủ, đun to lửa cho sôi rồi dùng lửa nhỏ hầm kỹ chừng 60 phút là được.
Chế đủ gia vị, ăn trứng, uống nước mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 quả, có tác dụng bổ dưỡng độc đáo, rất có ích cho hoạt động trí não.
- Tăng cường khí huyết: Trứng chim cút 5 quả luộc, bỏ vỏ, nấu với bột đỗ trọng 10g và nước dùng gà 200ml, thêm hành, gừng, muối, gia vị thành món ăn - vị thuốc bổ gan thận và hạ huyết áp; với mộc nhĩ trắng 15g để tăng cường khí huyết, mát da thịt.
- Trẻ suy dinh dưỡng, người lớn cơ thể suy yếu: Dùng gạo tẻ hay gạo nếp ngon nấu cháo hoa. Hằng ngày vào buổi sáng hoặc tối ăn một bát cháo nóng với 2 quả trứng cút. Trẻ em suy dinh dưỡng và những người cơ thể suy yếu ăn cháo này trong nhiều ngày sẽ có kết quả tốt.
Những lưu ý khi ăn trứng chim cút:
Trứng chim cút tốt cho sức khỏe nhưng bất kỳ ai cũng nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế nếu bạn gặp các triệu chứng như đầy hơi, đau dạ dày sau ăn.
Những nhóm người dưới đây nên thận trọng và nhất định cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ăn trứng cút:
- Những người bị hạ đường huyết và huyết áp thấp: Những người bị hạ đường huyết hoặc hạ huyết áp nên tránh ăn quá nhiều trứng chim cút vì chúng có thể làm giảm mức đường trong máu và huyết áp.
- Người bị dị ứng: Những người nhạy cảm với trứng chim cút nên tránh ăn chúng vì chúng đã được báo cáo là gây ra phản ứng kích thích.
- Người có vấn đề về cholesterol: Nhóm người này không nên lạm dụng trứng cút vì trứng giàu cholesterol.
- Ăn đúng và đủ: Nên sử dụng 3-5 quả trứng cút để thay thế một quả trứng gà nặng khoảng 50g. Số lượng trứng cút có thể được tiêu thụ tùy thuộc vào tuổi và tình trạng sức khỏe: Đối với trẻ từ 5-12 tuổi chỉ nên ăn 1-2 quả/ngày, không ăn liên tục quá 15 ngày.
Đối với trẻ hơn 12 tuổi và người lớn nên ăn 5-10 quả/ngày, không ăn liên tục quá 3 tháng.