Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD TPHCM) cho biết, vừa qua nơi đây đã tiếp nhận điều trị cho trường hợp anh L.V.M. (37 tuổi, ngụ tại Long An), đến khoa Tai mũi họng để khám vì đau khi nuốt, nuốt khó.
Căn bệnh hoành hành thời điểm giao mùa
Trước đó, anh M. có triệu chứng đau họng và tự ý dùng kháng sinh. Sau đó bệnh không thuyên giảm, tái phát nhiều lần khiến bệnh nhân đau và khó chịu nhiều hơn.
Tại bệnh viện sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán anh M. bị viêm họng cấp. Bệnh nhân được chỉ định sử dụng một số loại thuốc theo đúng tình trạng, kết hợp các biện pháp đơn giản giúp giảm bớt triệu chứng. Sau 2 tuần điều trị, anh M. hết sưng đau họng và tiếp tục duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt theo hướng dẫn của bệnh viện để tránh tái phát.
ThS.BS. Văn Thị Hải Hà, khoa Tai mũi họng BV ĐHYD cho biết, sưng đau họng là triệu chứng về đường hô hấp trên phổ biến. Đặc biệt, triệu chứng này có xu hướng gia tăng khi môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm bởi khói bụi, vi khuẩn…
Trên thực tế, triệu chứng sưng đau họng thường tự khỏi nếu sức đề kháng của cơ thể tốt. Ngược lại nếu cơ thể yếu, sức đề kháng giảm, người bệnh có thể bị bội nhiễm các vi khuẩn, gây viêm họng cấp. Lúc này, người bệnh thường có cảm giác đau khi nuốt, nuốt khó, cổ họng sưng, đau rát, đau nhói, có cảm giác vướng họng, nghẹn họng.
Thời điểm giao mùa là điều kiện khiến virus và vi khuẩn phát triển mạnh, dễ xâm nhập, đặc biệt ở người có cơ địa suy giảm miễn dịch (HIV, hóa trị), người lớn tuổi (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 2 tuổi), người có bệnh mạn tính, béo phì…
Nguyên nhân viêm họng cấp thường do nhiễm virus (chiếm 70%), liên cầu khuẩn nhóm A (Streptococcus), dị ứng, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với khói thuốc lá. Bệnh nếu không được điều trị hiệu quả sẽ chuyển sang viêm họng mạn.
Ngoài ra, viêm họng còn có thể hình thành từ việc vệ sinh răng miệng kém, bệnh lý ở những vùng lân cận như trào ngược dạ dày thực quản, viêm đường hô hấp dưới, viêm xoang, bệnh lý hệ thống.
Vì họng là cửa ngõ vào của đường ăn, đường thở và có mối liên hệ mật thiết với mũi, tai nên tác nhân gây đau mũi cũng có thể gây ảnh hưởng lên họng và ngược lại.
Cảnh báo tình trạng kháng thuốc nặng vì tự ý điều trị
Theo ThS BS. Văn Thị Hải Hà, điều trị sưng đau họng thường theo quy trình từ giảm nhẹ triệu chứng (giảm đau, hạ sốt, kháng viêm, chống phù nề, giảm ho) đến điều trị đặc hiệu nguyên nhân, loại trừ yếu tố nguy cơ và phòng ngừa tái phát.
Cụ thể, để điều trị viêm họng do virus, người bệnh có thể sử dụng một số loại thuốc giúp giảm triệu chứng sốt và đau họng. Tuy nhiên, giải pháp tốt nhất vẫn là để bệnh tự khỏi nhờ vào hệ miễn dịch của cơ thể.
Trên thực tế, việc chủ quan trong phòng ngừa và điều trị sai cách có thể khiến bệnh trở nặng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Sai lầm phổ biến của người dân là tự ý dùng kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ.
Điều này có thể dẫn đến tái phát bệnh, đề kháng kháng sinh, gây ra các biến chứng khác như: viêm họng mạn, viêm đường hô hấp dưới, áp-xe quanh Amidan, áp-xe họng, nhiễm trùng huyết…
Đặc biệt, bác sĩ Hà cảnh báo, tình trạng đề kháng kháng sinh còn dẫn đến hậu quả nặng nhất là tử vong; tăng nguy cơ thất bại với phẫu thuật; tăng chi phí điều trị; tăng nguy cơ lây lan cho người khác… Do đó, người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc và tuân thủ liều lượng do bác sĩ chỉ định.
Ngay tại nhà, người bệnh có thể kết hợp các cách đơn giản để giảm bớt triệu chứng sưng đau họng như: súc họng bằng nước muối sinh lý, giữ ấm cơ thể, uống nước ấm, chườm ấm cổ họng, ngậm thuốc trị đau họng. Song song đó, nên ăn thực phẩm mềm, trái cây, tránh đồ ăn để lạnh, rửa tay chân và súc miệng thường xuyên.
Bác sĩ khuyến cáo, tất cả biến chứng do sưng đau họng gây ra đều ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Đặc biệt ở trẻ sơ sinh và trẻ dưới 5 tuổi khi gặp phải các trường hợp áp-xe cổ hoặc viêm đường hô hấp dưới nặng, viêm phổi rất nguy hiểm.
"Người bệnh không nên chủ quan khi có các triệu chứng trên mà cần đến bệnh viện có chuyên khoa Tai mũi họng thăm khám để được tư vấn điều trị kịp thời, đúng cách và dứt điểm ngay từ giai đoạn sớm" - Bác sĩ Hà đưa ra lời khuyên.