Chiều ngày 29/4, thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Phương Thảo (khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM) cho biết vừa ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh phong.
Nam bệnh nhân P.V.Đ. (40 tuổi) ở miền Tây vừa có kết quả sinh thiết, xác định mắc bệnh phong thể u. Suốt 2 năm qua, anh Đ. bị ngứa nên đi khám ở nhiều nơi, được chẩn đoán nhiễm giun đũa chó. Sau khi điều trị theo phác đồ cho nhiễm giun đũa chó tại một bệnh viện ở TPHCM, các tổn thương trên da của bệnh nhân không thuyên giảm, dù xét nghiệm máu cho thấy đã hết nhiễm ký sinh trùng.
Cách đây 10 ngày, anh Đ. đến khám tại khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Bác sĩ ghi nhận trên cơ thể bệnh nhân có những mảng hồng ban tăng nhạy cảm màu tím sẫm ở các vị trí cánh tay phải, đùi phải, bàn chân trái, đùi trái, lan cả sang thân trước, vùng bụng và lưng, mặt. Da bàn chân của bệnh nhân khô, loét, mất cảm giác… Bệnh nhân kể, cuối năm 2021 bắt đầu bị nổi mảng đỏ ở cánh tay phải và mặt trong đùi bên phải. Anh Đ. đã được làm sinh thiết da.
Bàn chân bệnh nhân bị khô, loét, mất cảm giác - Ảnh: Bác sĩ cung cấp |
Kết quả sinh thiết của bệnh nhân có rất nhiều tế bào viêm và trực khuẩn. Bệnh nhân được xác định mắc bệnh phong thể u. Dù chưa tới ngày tái khám nhưng bác sĩ đã lập tức liên hệ với anh Đ. qua điện thoại, tư vấn bệnh nhân tự cách ly khỏi người thân và con nhỏ, chỉ dẫn cho bệnh nhân những cơ sở chuyên điều trị bệnh phong tại địa phương để sau lễ anh sẽ được chăm sóc và can thiệp kịp thời.
Theo bác sĩ Phương Thảo, đây là ca bệnh phong rất hy hữu. Ngoài mắc bệnh phong, anh Đ. còn nhiễm ký sinh trùng. Chính vì vậy các dấu hiệu bệnh bị trùng lắp, gây khó khăn cho việc chẩn đoán. Bác sĩ Thảo cảnh báo, bệnh phong không chỉ có nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc ngoài da mà còn lây qua đường hô hấp. Vì vậy, phát hiện bệnh sớm là điều vô cùng cần thiết, tránh nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Qua trường hợp bệnh nhân Đ., Phó giáo sư - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh - Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM - cảnh báo về sự xuất hiện bệnh phong mới với thể nhiều khuẩn trong cộng đồng.
Đồng thời nhắn nhủ bác sĩ tuyến cơ sở, bác sĩ chuyên khoa nhiễm và bác sĩ da liễu nên chú ý các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng để phát hiện, xác định bệnh phong kịp thời. Việc này giúp tránh bỏ sót các trường hợp phong nhiều khuẩn sống và sinh hoạt cùng cộng đồng trong thời gian dài mà không được điều trị và quản lý.
Bên cạnh đó, không phải có thương tổn mẩn đỏ/mảng đỏ da, kèm ngứa da và phản ứng huyết thanh (+) với ký sinh trùng là chủ quan chỉ điều trị và theo dõi nhiễm ký sinh trùng.
Tính đến hết năm 2015, tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đạt tiêu chuẩn loại trừ bệnh phong tuyến tỉnh theo tiêu chuẩn Việt Nam... Tuy nhiên, hiện nay, người mắc bệnh phong đã xuất hiện trở lại ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Số người tàn tật do bệnh phong vẫn còn nhiều và cần được chăm sóc sức khỏe suốt đời.