Tôi vừa nhận được tin nhắn của một bạn đọc trung niên khá thân thiết: “Chú xem sao chứ chị giận anh cả tuần nay rồi. Đi họp lớp chứ có phải đi hát karaoke tay vịn đâu mà giận với dỗi. Mắc mệt quá! Nếu có thời gian, chú nói cho chị hiểu giúp anh nhé”.
Là người có “thâm niên” đi họp lớp, tôi không còn lạ gì chuyện vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” sau mỗi mùa họp lớp, hội khóa. Ngay lập tức tôi phi đến nhà gặp “nhân vật chính” trong tin nhắn của ông anh nọ.
Triền miên họp lớp…
Biết lý do tôi đến, vừa mở cửa chào khách, chị vợ đã làu bàu: “Cả chú nữa! Tôi nghe nói, chú 30 ngày liên tiếp không ăn cơm tối ở nhà, lấy tư cách gì mà đi làm sứ giả hạnh phúc gia đình?”
Nói rồi chị liệt kê “tội” họp lớp của anh rải đều khắp trong năm, từ tháng này đến tháng khác, nhất là vào dịp hè. Từ lớp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học, cao học cho đến lớp…lái xe. Chưa kể, bởi anh cũng có tý chức sắc nên còn ít nhất họp thêm 3 lớp: lớp trung cấp chính trị, lớp quản lý nhà nước và một lớp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ. Chị giơ hai bàn tay đếm, ngụ ý mỗi năm anh đi họp lớp không dưới… 10 cuộc.
Nghe chị kể, tôi thực sự ngỡ ngàng nhưng cũng kịp đưa ra một thống kê hòng bênh vực cho tần suất họp lớp của anh. Tính ra, mỗi tháng anh chỉ tụ tập với “bạn cùng lớp” chưa đến 1 lần. Chưa kể, các năm lẻ, chắc chắn việc hội họp cũng gián đoạn. Rồi 2 năm ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, lịch họp lớp bị dồn đến năm nay nên mới thế.
Mặc cho tôi cố gắng giải thích, chị tiếp tục “tính sổ” với anh.
“Vừa rồi, tôi lên trang cá nhân của anh chú mới biết, chẳng phải họp hành gì cả, chỉ là kiếm cớ để bù khú, nhậu nhẹt, trốn việc nhà. Chưa kể còn quàng vai, bá cổ, chụp ảnh tự sướng với chị em cùng lớp. Hát thì vừa chênh, vừa phô, thế mà cũng lên sân khấu hát song ca bài “xe đạp ơi” với… người yêu cũ. Mình nhìn thì không sao vì ai chả có quá khứ nhưng mấy đứa nhỏ nhà tôi nhìn vào còn không nhận ra bố nữa. Trông như một gã hề trong gánh xiếc rong”, chị nói trong giận dữ.
Nhằm xoa dịu cơn giận dữ như… núi lửa chỉ trực chờ phun trào của chị, tôi đành phải chêm một câu tiếu lâm vào: “Chị chấp gì cái... xe đạp cũ. Vấn đề là giờ đây anh đang… lái xe hơi. Chẳng qua, cuộc sống quá nhiều áp lực nên anh muốn mua một chiếc vé trở về tuổi thơ thôi”.
Nói đến thế nhưng vẫn không thể xoa dịu được cơn giận dữ của chị. Chị tiếp tục phân tích tác hại của họp lớp đối với hạnh phúc gia đình.
“Họp lớp, đúng ra là dịp để gặp gỡ, tri ân thầy cô, kết nối bạn bè. Qua đó hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn, nếu có thể thì kết nối làm ăn, trở thành đối tác, bạn hàng. Đằng này… mà thôi, nói lại bảo tôi…ghen”.
Quan sát thái độ của chị, tôi biết, mình có nói gì thêm nữa cũng vô ích. Mà quả tình, những gì chị nói không phải không có lý. Mình ở lại lâu, không cẩn thận lỡ mồm, lỡ miệng lại thành… mang xăng đi cứu hỏa.
Đưa vợ đi hội khóa
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa rồi, khóa cấp 3 chúng tôi kỷ niệm 25 năm ra trường. Trước lễ khoảng 2 tháng, chúng tôi lập một nhóm kín nhắn tin, chát chít cả đêm. Bên cạnh các thông tin trao đổi về kịch bản, chương trình, huy động kinh phí, chúng tôi thường xuyên trêu chọc nhau bằng ngôn ngữ học trò chuyện hồi xưa đứa này thích đứa kia nhưng không thành đôi giờ thành ra nuối tiếc.
Nhóm bạn hiện đang công tác tại phía Nam đề nghị, hội khóa chỉ đi một mình, không đi cùng vợ con để được xõa hết mình với những ký ức thanh xuân. Tôi, một gã yêu đương sớm có tiếng từ thuở học trò vô cùng háo hức đợi ngày hội ngộ.
Tối trước hội khóa vài hôm, lựa lúc không khí gia đình đang vui vẻ, tôi “xin phép” vợ đi hội khóa 2 ngày. Thật bất ngờ khi cô ấy vui vẻ đồng ý ngay. Nhưng cũng bất ngờ không kém khi vợ đề nghị được đi dự cùng chồng. Chưa kịp giải thích thì cô ấy đã chặn họng: “Nhà ai em không biết, nhưng nhà mình đã thống nhất từ khi cưới, đi đâu cũng phải có vợ, có chồng. Hồi yêu nhau anh chả thề đi đâu không quan trọng, quan trọng là đi cùng nhau là gì?”.
Tôi cố gắng giải thích rằng, đây là quy định của cả khóa, bao gồm ban cán sự của 4 lớp, chưa kể tôi còn là thành viên cốt cán trong ban tổ chức, không thể đưa vợ đi cùng.
“Chẳng có gì khuất tất cả, chỉ là để cho bạn bè được sống trọn vẹn với ký ức học trò. Hơn nữa em đến đó sẽ lạc lõng vì chẳng ai quen em mà lại còn làm cho anh khó xử”, tôi cố gắng phân trần.
Viện lý do tôi kiếm cớ để gặp lại bạn gái cũ, cô ấy dẫn ra hàng loạt ví dụ như những bài học nhãn tiền. Nào là nhà anh X. hàng xóm, nhà chị Y. cùng cơ quan, hội khóa xong tan cửa nát nhà. Nào là cô ấy đi cùng là giữ cho gia đình, giữ uy tín cho chồng chứ không phải vì… ghen. Nào là anh có biết, theo điều tra xã hội học của tổ chức J., sau hội khóa, họp lớp, tỷ lệ ly hôn cao gấp 2 lần…
“Trời không nghe đất, đất đành phải nghe trời”. Tôi buộc lòng phải để vợ đi cùng đến ngày hội khóa. Đáng nói, vợ tôi là “người lạ” duy nhất xuất hiện trong lễ kỷ niệm 25 năm “chạm vào nỗi nhớ” của khóa chúng tôi. Bạn bè tôi xì xào, nói vào nói ra, thậm chí có đứa nhìn tôi bằng ánh mắt xem thường kiểu: “tưởng thế nào!”.
Được giao nhiệm vụ làm MC, tôi từ một gã đầy tự tin, nói năng, “chém gió” nhất khóa trở thành một tay khờ khạo, ấp a ấp úng. Bao nhiêu từ ngữ bóng bẩy, lãng mạn như muốn níu kéo cả trời yêu thương thuở ấy trở về ngày hội khóa bỗng nhiên tắt lịm. Không khí cuộc hội ngộ 25 năm vì thế trầm lắng hẳn.
Trái ngược với tâm trạng của tôi, vợ tôi lại tỏ ra vui vẻ khác thường. Cô ấy thậm chí còn thay 2 bộ cánh rực rỡ. Một bộ trưng diện lúc tổ chức lễ kỷ niệm, bộ còn lại trình diễn tại đêm Gala Dinner.
Đến khi đốt lửa trại, múa sạp, cô ấy nhảy còn sung hơn cả nhóm chị em bạn cũ của tôi. Thậm chí, lúc nổi hứng, cô ấy còn cướp mic của tôi để làm… MC cứ như sân khấu này là của riêng cô ấy kèm lời nhắc khéo: “Các chị tuổi gì so với em”.
Quả là hồi học cấp 3 tôi có mối tình sâu đậm với cô bạn cùng lớp. Là người cùng quê, lại học sau mấy khóa nên vợ tôi biết rõ. Chúng tôi chia tay nhau đã hơn 20 năm lẻ. Tôi cũng không giấu diếm gì vì bạn gái cũ của tôi giờ đã lên… bà. Nhưng không hiểu sao vợ tôi vẫn cố công… giám sát kỹ đến thế.
Dư âm ngày hội khóa với ai đó là miền ký ức thanh xuân tươi đẹp còn với tôi, đó quả là những ngày… đáng sợ.