Mới đây, Phó thủ tướng Lê Thành Long ký Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 19/12/2024 phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục, đào tạo nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy đối ngoại nhân dân và các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khác.
Trong đề án này, một nội dung đáng chú ý là phấn đấu 100% học sinh phổ thông đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ 1; nâng cao năng lực ngoại ngữ, năng lực dạy các môn học khác bằng tiếng nước ngoài cho giáo viên, giảng viên và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp; từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Đề án cũng phấn đấu có ít nhất 10 đơn vị hành chính tham gia vào mạng lưới thành phố học tập toàn cầu của UNESCO vào năm 2030; phấn đấu có thêm 5 tỉnh/thành phố có cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dạy chương trình giáo dục tích hợp với chương trình nước ngoài.
Đối với liên kết đào tạo nước ngoài, đề án đặt mục tiêu đạt trên 20% chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài có ngành đào tạo của cơ sở giáo dục nước ngoài xếp hạng top 500 thế giới trở lên, đồng thời nâng tỷ lệ sinh viên quốc tế theo học các chương trình giáo dục đại học lấy bằng của Việt Nam đạt 1,5%.
Tỷ lệ tổng số giảng viên của Việt Nam đi và số giảng viên của nước ngoài đến giảng dạy, nghiên cứu và trao đổi học thuật hàng năm cũng được kỳ vọng nâng cao, cụ thể là tăng 8% trên tổng số giảng viên Việt Nam.
Ngoài ra, đề án đặt mục tiêu 20% chương trình đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định nước ngoài có uy tín; phấn đấu thu hút để có thêm 2 phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài tại Việt Nam.
Để đạt được các mục tiêu trên, đề án đưa ra 4 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm hoàn thiện cơ chế, chính sách về giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh hợp tác, kiến tạo môi trường quốc tế trong giáo dục và đào tạo; bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực đội ngũ và nhận thức về hội nhập quốc tế.
Như vậy, việc hợp tác song phương và đa phương sẽ được mở rộng, trong đó ưu tiên các nước láng giềng, các nước có nền giáo dục tiên tiến, các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống; thúc đẩy hợp tác với các nước có nền giáo dục và đào tạo hàng đầu thế giới.