Dẫn theo thông tin từ Pháp Luật Xã Hội, Nghị định 147/2024/NĐ-CP và Luật An ninh mạng 2018, các tài khoản mạng xã hội đăng tải nội dung sau: xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca; xuyên tạc chính quyền nhân dân, lãnh tụ, anh hùng dân tộc; xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng khác.
Khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng, tài khoản vi phạm này sẽ bị khóa vĩnh viễn. Ngoài ra, các tài khoản bị tạm khóa từ 3 lần trở lên do vi phạm pháp luật cũng sẽ đối mặt với lệnh khóa vĩnh viễn.
Việc đăng tải thông tin xâm phạm an ninh quốc gia hoặc vi phạm pháp luật không chỉ dẫn đến khóa tài khoản mà còn có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trước đó, dẫn theo thông tin từ VTC News, từ ngày 25/12, Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng do Chính phủ ban hành chính thức có hiệu lực.
Nghị định nêu rõ, các công ty, tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội vào Việt Nam, nếu thuê chỗ lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có lượt truy cập từ Việt Nam trung bình mỗi tháng từ 100.000 lượt trở lên, cần tuân thủ các quy định sau:
Xác thực tài khoản bằng số điện thoại: Người dùng phải xác nhận tài khoản bằng số điện thoại ở Việt Nam. Nếu không có số điện thoại ở Việt Nam, tài khoản phải được xác thực bằng số định danh cá nhân theo quy định pháp luật.
Livestream có mục đích thương mại: Tài khoản sử dụng tính năng livestream để bán hàng hoặc kinh doanh phải xác thực bằng số định danh cá nhân.
Chỉ tài khoản đã xác thực mới được đăng thông tin: Chỉ những tài khoản đã được xác thực mới có quyền đăng bài, bình luận, livestream hoặc chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Đây được coi là cách để đảm bảo tài khoản mạng xã hội phải rõ ràng, có danh tính cụ thể trước khi hoạt động, nhằm tăng cường quản lý và tránh việc sử dụng tài khoản ảo, đưa tin giả hoặc vi phạm pháp luật.