Nội dung bài viết:
Thường xuyên ăn đồ ngọt có ảnh hưởng gì đến sức khỏe?
Giảm cảm giác ngon miệng và ảnh hưởng tiêu hóa
Các chuyên gia sức khỏe trên Familydoctor cho biết: Thành phần chủ yếu của thức ăn ngọt chính là đường. Vì vậy, thường xuyên ăn đồ ngọt sẽ khiến bạn luôn có cảm giác “no” dù thực tế lượng thức ăn cần thiết không hề đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể.
Ăn đồ ngọt sẽ làm bạn không thấy đói, giảm đi cảm giác thèm ăn và ngon miệng trong những bữa ăn chính. Vấn đề này không chỉ khiến bạn dễ thiếu hụt dinh dưỡng mà còn gây bất lợi cho chức năng tiêu hóa, hấp thu.
Béo phì
Những người thường xuyên ăn đồ ngọt và đặc biệt là phụ nữ sẽ càng dễ có nguy cơ béo phì. Hàm lượng đường trong thức ăn ngọt sẽ tự chuyển hóa thành mỡ, đồng thời có thể gây trở ngại cho sự hấp thu vitamin và khoáng chất khác, dần dần mỡ tích tụ trong cơ thể gây tăng cân mất kiểm soát.
Loãng xương
Khi bạn dung nạp quá nhiều đường hoặc gluxit sẽ làm tiêu hao thành phần canxi, natri, magie trong cơ thể. Nhất là khi canxi không đủ đáp ứng sẽ khiến cơ bắp bị xơ cứng, rối loạn chức năng điều tiết huyết áp, đồng thời khi một lượng lớn canxi bị trung hòa còn gây ra chứng loãng xương.
Sỏi mật
Khi bạn thường xuyên ăn đồ ngọt, hàm lượng đường sẽ gây kích thích đến lượng Insulin tiết ra, dẫn đến tình trạng mất cân bằng trao đổi chất của dịch mật và cholesterol trong gan, gây ra sỏi mật.
Tóc bạc sớm
Khi dung nạp một lượng lớn thức ăn ngọt sẽ làm tăng tốc độ lão hóa tế bào, dẫn đến tình trạng tóc bạc sớm. Nguyên nhân chủ yếu chính là hàm lượng đường trong đồ ngọt sẽ làm độ kiềm trong dịch thể biến thành trung tính hoặc có tính axit yếu, tăng nguy cơ lão hóa tế bào.
Ung thư vú và bệnh phụ khoa ở phụ nữ
Phụ nữ ăn nhiều đồ ngọt sẽ thúc đẩy nguy cơ ung thư vú. Do Insulin tiết ra nhiều hơn mức bình thường, làm tăng khả năng sinh sôi nảy nở của các tế bào ung thư tuyến vú. Ngoài ra, theo thống kê lâm sàng, thói quen ăn đồ ngọt còn gây bệnh phụ khoa ở phái đẹp, điển hình là chứng viêm âm đạo.
Tăng nguy cơ nhiều bệnh tật khác
Ăn đồ ngọt nhiều còn làm tăng thành phần cholesterol xấu và chất béo trung tính (Triglyceride), thúc đẩy nguy cơ phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm như cao huyết áp, tim mạch, đột quỵ, tiểu đường, gan nhiễm mỡ, ung thực trực tràng, ung thư gan...
Vì sao thường xuyên ăn đồ ngọt có tăng nguy cơ bị cận thị?
Trong quá trình tiêu hóa, hấp thu và trao đổi chất thì những thức ăn ngọt sẽ sinh ra một lượng lớn các vật chất mang tính axit, một khi trung hòa với canxi trong cơ thể sẽ khiến cho hàm lượng canxi trong máu giảm thấp. Khi bạn bị thiếu hụt canxi cũng sẽ làm giảm tính đàn hồi của vách nhãn cầu, trục mắt bị kéo dài ra.
Thường xuyên ăn đồ ngọt còn dễ khiến cho áp lực thẩm thấu của dung dịch nước trong mắt bị thay đổi, dẫn đến tình trạng thủy tinh thể bị “lồi ra”, đây chính là một trong những nguyên nhân của chứng cận thị.
Thành phần đường trong thực phẩm ngọt còn gây tiêu hao rất nhiều vitamin B1 trong quá trình trao đổi chất. Trong khi đó, vitamin B1 lại là yếu tố có tác dụng bảo vệ và nuôi dưỡng thần kinh mắt, hàm lượng cao thấp của nó đều sẽ ảnh hưởng đến trạng thái thị giác.
Thói quen ăn quá nhiều đồ ngọt không chỉ khiến mắt dễ mệt mỏi mà thần kinh thị giác con xuất hiện nhiều trở ngại do thiếu hụt dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, khi thiếu vitamin B1, quá trình oxi hóa gluxit cũng bị ảnh hưởng, tích tụ bên trong huyết dịch lâu ngày sinh ra độc tố, dẫn đến viêm thần kinh thị giác và ảnh hưởng thị lực.
Để bảo vệ sức khỏe đôi mắt, ngoài việc hạn chế ăn đồ ngọt thì bạn cũng có thể tăng cường bổ sung một số thực phẩm có lợi cho mắt như quả việt quất, táo, sữa chua... Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng mắt hợp lý cũng rất quan trọng, dù được cung cấp đủ dưỡng chất nhưng nếu mắt làm việc quá sức, không được nghỉ ngơi vẫn gây bất lợi cho thị giác của bạn.
Ngoài ra, các chuyên gia dinh dưỡng còn khuyến cáo: Nếu bạn ưa thích ăn vặt thì nên hạn chế đồ ngọt mà thay vào đó là các loại hạt vỏ cứng, bánh lúa mạch ít đường, rau củ quả và các sản phẩm chế biến từ đậu, sữa. Đồng thời đừng quên duy trì thói quen rèn luyện thể chất, khi đổ nhiều mồ hôi cũng là lúc hỗ trợ thải bớt các chất có tính axit dư thừa trong cơ thể.