Để kịp thời gian đi làm và đi học, nhiều người sẽ chọn ăn vội một chiếc bánh mì buổi sáng để kịp giờ lại vẫn đảm bảo no bụng. Với người Việt, bánh mì là món ăn sáng quen thuộc được nhiều người sử dụng và thậm chí còn dùng để ăn trưa hoặc tối.
Tuy nhiên, Hideo Makuuchi, thạc sĩ dinh dưỡng người Nhật Bản, tác giả của những cuốn sách về sức khỏe bán chạy nhất, từng phụ trách hướng dẫn chế độ ăn cho bệnh nhân ung thư vú, đã phát hiện ra rằng có tới 80% bệnh nhân hầu như ngày nào cũng ăn bánh mì buổi sáng. Theo ông, các thành phần đến từ tinh bột tinh chế, bơ, đường và các thành phần khác trong bánh mì là nguyên nhân.
Tuyên bố này của vị bác sĩ người Nhật đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng, đặc biệt là các chị em phụ nữ - đối tượng dễ mắc ung thư vú.
Bác sĩ người Nhật nhận thấy 80% bệnh nhân ung thư vú ông từng tư vấn thường xuyên ăn bánh mì buổi sáng. (Ảnh minh họa)
Ăn bánh mì có thật sự là nguyên nhân gây ung thư vú?
Bác sĩ phẫu thuật Jiang Kunjun, tại Bệnh viện Cơ Long Trường Canh, Đài Loan lại cho biết bánh mì không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ung thư vú, cũng chưa có nghiên cứu lâm sàng nào khẳng định những người bị ung thư vú do ăn bánh mì. Tuy nhiên, bánh mì là thực phẩm có giá trị đường huyết (GI) cao, những người hay ăn bánh mì dễ tăng cân hơn và béo phì mới thực sự là nguyên nhân gây ra ung thư vú.
Các nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng ăn bánh mì làm tăng nguy cơ ung thư vú chứ không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn tới căn bệnh nguy hiểm này. Cụ thể một nhóm nghiên cứu từ Đại học California, San Diego (Mỹ) đã nghiên cứu chế độ ăn của 2.651 người sống sót sau ung thư vú trong hơn 12 tháng.
Họ phát hiện ra rằng carbohydrate nói chung - đặc biệt là tinh bột - có liên quan đến nguy cơ phát triển khối u mới. Tỷ lệ tái phát là 14,2% ở những phụ nữ tăng lượng tinh bột nạp vào trong khi tỷ lệ này là 9,7% ở những phụ nữ giảm tiêu thụ.
Bác sĩ Jiang Kunjun cho biết lạm dụng bánh mì có thể dẫn đến béo phì, và béo phì mới là nguyên nhân dẫn đến ung thư vú. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Jiang Kunjun cũng khuyên mọi người nên hạn chế ăn tinh bột và lựa chọn tinh bột có chỉ số GI thấp. Lưu ý hạn chế chứ không loại bỏ hoàn toàn việc ăn tinh bột.
Có những người khi giảm cân thường ngừng ăn tinh bột vì cho rằng đó là nguyên nhân gây béo. Tuy nhiên, bạn nên biết các thực phẩm có chứa tinh bột như gạo, mì ống, ngũ cốc, một số loại củ như khoai tây... không chỉ cung cấp calo, mà còn mà còn chứa chất xơ, khoáng chất, vitamin và các chất dinh dưỡng khác cần thiết cho cuộc sống.
Nếu bạn áp dụng một cách mù quáng chế độ ăn giàu protein trong một thời gian dài và hoàn toàn không ăn tinh bột, bạn có thể mắc chứng táo bón do chế độ ăn không đủ chất xơ, có hại cho sức khỏe đường ruột. Nếu bạn tiêu thụ quá nhiều protein từ động vật, còn có thể gây ra tình trạng thừa cholesterol và chất béo bão hòa cao, không có lợi cho sức khỏe mạch máu.
Để giảm cân, bạn có thể giảm bớt việc ăn các loại tinh bột tinh chế như gạo trắng, mì ống, sử dụng khoai tây và khoai lang thay thế. Nó có thể tăng chất xơ và giảm calo. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp “tinh bột kháng” - cho khoai tây, khoai lang vào tủ lạnh để thay thế thực phẩm chủ yếu cho bữa tối, hiệu quả giảm cân được cho là sẽ tăng gấp đôi.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nguy cơ ung thư vú của bạn là do sự kết hợp của nhiều yếu tố.
Các yếu tố rủi ro bạn không thể thay đổi
- Tuổi già: Nguy cơ ung thư vú tăng theo độ tuổi. Hầu hết các bệnh ung thư vú được chẩn đoán sau tuổi 50.
- Đột biến gen: Phụ nữ có những thay đổi di truyền (đột biến) đối với một số gen, chẳng hạn như BRCA1 và BRCA2, có nguy cơ mắc ung thư vú và buồng trứng cao hơn.
- Tiền sử sinh sản: Bắt đầu có kinh nguyệt trước 12 tuổi và bắt đầu mãn kinh sau 55 tuổi khiến phụ nữ tiếp xúc với hormone lâu hơn, làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
-Có mô vú dày: Mô vú dày là khi có nhiều mô liên kết, các tuyến (mô đặc) và có tương đối ít mô mỡ (mô không đặc). Phụ nữ có mô vú dày có nhiều khả năng bị ung thư vú.
- Tiền sử cá nhân bị ung thư vú hoặc một số bệnh vú không phải ung thư: Phụ nữ đã từng bị ung thư vú có nhiều khả năng bị ung thư vú lần thứ hai. Một số bệnh vú không phải ung thư như tăng sản không điển hình hoặc ung thư biểu mô tiểu thùy tại chỗ có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
- Tiền sử gia đình mắc ung thư vú hoặc buồng trứng: Nguy cơ mắc ung thư vú của phụ nữ cao hơn nếu họ có mẹ, chị gái hoặc con gái hoặc nhiều thành viên gia đình ở bên ngoại hoặc nội của gia đình bị ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng. Có người thân là nam giới thế hệ thứ nhất bị ung thư vú cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho phụ nữ.
- Từng xạ trị. Những phụ nữ đã xạ trị ở ngực hoặc vú (ví dụ, điều trị ung thư hạch Hodgkin) trước 30 tuổi có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn sau này trong đời.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú, trong đó có những điều thay đổi được nhưng có những điều không thể. (Ảnh minh họa)
Các yếu tố rủi ro bạn có thể thay đổi
- Không hoạt động thể chất: Phụ nữ không hoạt động thể chất có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
- Thừa cân hoặc béo phì sau khi mãn kinh: Phụ nữ lớn tuổi bị thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người có cân nặng bình thường.
- Dùng hormone. Một số hình thức trị liệu thay thế hormone (những hình thức bao gồm cả estrogen và progesterone) được thực hiện trong thời kỳ mãn kinh có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú khi được thực hiện trong hơn 5 năm. Một số loại thuốc tránh thai cũng đã được phát hiện là làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Tiền sử sinh sản: Mang thai lần đầu sau 30 tuổi, không cho con bú và không bao giờ mang thai đủ tháng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
- Uống rượu: Các nghiên cứu cho thấy nguy cơ ung thư vú của phụ nữ tăng lên khi uống nhiều rượu hơn .
Nghiên cứu cho thấy các yếu tố khác như hút thuốc, tiếp xúc với hóa chất có thể gây ung thư và thay đổi các hormone khác do làm việc ca đêm cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.