Ung thư là căn bệnh ai cũng sợ, có rất nhiều tuyên bố rằng ăn cái này hay dùng cái kia sẽ gây ung thư. Chẳng hạn như có thông tin cho rằng ăn bánh mì nướng cháy hay để điện thoại trong túi quần sẽ dẫn dến ung thư, nhưng sự thật là gì?
Trang tin MailOnline đã vạch trần 5 lầm tưởng lớn nhất xung quanh nguyên nhân gây ra bệnh ung thư để mọi người có thể hiểu rõ hơn.
Bức xạ điện thoại di động gây ung thư
Trong nhiều thập kỷ, có tin đồn rằng bức xạ điện từ hoặc sóng từ điện thoại di động có thể gây ung thư. Nhưng các nhà nghiên cứu cho biết không có bằng chứng xác thực nào cho thấy trường hợp này xảy ra, mặc dù nhiều người lo ngại rằng việc giữ điện thoại gần cơ thể sẽ khiến họ gặp nguy hiểm.
Điện thoại di động hoạt động bằng cách gửi và nhận sóng điện từ đến và đi từ cột điện thoại. Trong khi bức xạ năng lượng cao có thể gây ung thư bằng cách làm hỏng DNA, phiên bản phát ra từ điện thoại yếu đến mức không gây ra tác dụng này, tổ chức Nghiên cứu Ung thư Anh cho biết.
Tổ chức này cho biết thêm, mặc dù mạng 4G và 5G dựa vào sóng vô tuyến tần số cao hơn để hoạt động so với điện thoại được sản xuất cách đây một thập kỷ nhưng nó vẫn không đủ năng lượng để làm hỏng DNA.
Tuy nhiên, vì công nghệ này vẫn còn tương đối mới nên các nhà khoa học tiếp tục theo dõi nghiên cứu trong lĩnh vực này để theo dõi mọi tác động lâu dài tiềm ẩn.
Thực phẩm nướng cháy
Các chuyên gia cho biết, việc loại bỏ những phần bị cháy trên bánh mì nướng sẽ không giúp bạn tránh khỏi bệnh ung thư. Bánh mì nướng cháy, rau củ cháy và khoai tây nướng đều chứa một chất hóa học gọi là acrylamide, chất này xuất hiện tự nhiên trong thực phẩm được nấu ở nhiệt độ cao trong thời gian dài. Một số nghiên cứu đã liên kết chất này với bệnh ung thư.
Tuy nhiên, Cancer Research UK (Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Vương quốc Anh) cho biết các bằng chứng không đủ mạnh để chứng minh thực phẩm nướng, chiên hoặc quay làm tăng nguy cơ ung thư.
Cơ quan này cho biết thêm một số nghiên cứu còn không thể đo lường chính xác lượng acrylamide trong chế độ ăn của mọi người. Theo các giám đốc y tế của Mỹ, những nghiên cứu này chỉ chứng minh được là những thực phẩm trên có khả năng gây ung thư ở động vật với liều lượng cao hơn nhiều so với trong thực phẩm của con người.
Ví dụ, một nhà thống kê nổi tiếng của Đại học Cambridge cho rằng một người sẽ chỉ gặp rủi ro nếu họ tiêu thụ 320 lát bánh mì nướng cháy mỗi ngày.
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng đừng chỉ tập trung vào việc nấu thức ăn như thế nào mà cần quan tâm tới việc bạn đang ăn loại thực phẩm nào và liệu nó có thể làm tăng nguy cơ mắc K hay không.
Ví dụ, thịt xông khói là một loại thịt đã qua chế biến và bất kể được nấu như thế nào, nó đều có liên quan đến việc làm tăng khả năng phát triển ung thư ruột. Theo Cancer Research UK, điều này là do nó có chứa nitrat và nitrit, những hóa chất giữ cho thịt tươi lâu hơn nhưng có liên quan đến tổn thương các tế bào lót ruột và tăng nguy cơ ung thư ruột.
Tuy nhiên, ăn một chế độ ăn uống cân bằng với nhiều rau, trái cây và thực phẩm giàu chất xơ, bao gồm bánh mì nâu, gạo và mì ống, có thể giúp bạn giảm nguy cơ ung thư.
Căng thẳng
Các nghiên cứu đã ghi nhận rằng một số phụ nữ bị căng thẳng có thể dẫn đến bệnh ung thư vú. Nhưng những bằng chứng này còn khá ít ỏi và chưa đủ chắc chắn.
Một nghiên cứu lớn với hơn 100.000 phụ nữ ở Anh vào năm 2016 đã không đưa ra bất kỳ bằng chứng nhất quán nào cho thấy mối liên hệ giữa căng thẳng và ung thư vú.
Một phân tích khác năm 2013, xem xét 12 nghiên cứu với hơn 100.000 người được theo dõi trong nhiều năm, không tìm thấy mối liên hệ giữa căng thẳng tại nơi làm việc và ung thư đại trực tràng, phổi, vú hoặc tuyến tiền liệt.
Tuy nhiên, một bài báo riêng vào năm 2022 cho thấy có thể có mối liên hệ giữa việc cơ thể tiếp xúc với cortisol, hormone gây căng thẳng và ung thư. Và một nghiên cứu khác cho thấy căng thẳng khiến bệnh ung thư phát triển và lan rộng.
Theo Bộ y tế của Anh, mặc dù căng thẳng không liên quan trực tiếp đến căn bệnh này, nhưng căng thẳng kéo dài có liên quan đến huyết áp cao và trầm cảm. Hơn nữa, những người bị căng thẳng có thể khó duy trì lối sống lành mạnh và dễ tìm đến thuốc lá hay rượu hơn.
Nghiên cứu Ung thư của Anh cảnh báo những thói quen này có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Nhưng cơ quan này khẳng định không có bằng chứng cho thấy những người căng thẳng hơn có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư hơn.
Chất làm ngọt nhân tạo
Đồ uống có ga dành cho người ăn kiêng, kẹo cao su và kem đánh răng, cùng với hàng trăm sản phẩm khác, có chứa chất làm ngọt nhân tạo như aspartame. Có một số bằng chứng cho thấy aspartame, được sử dụng trong các sản phẩm từ những năm 80, có thể gây ung thư.
Nó khiến Tổ chức Y tế Thế giới xếp chất làm ngọt vào nhóm “có thể gây ung thư cho con người” vào tháng 6/ 2023.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết mọi người sẽ phải tiêu thụ nó với số lượng cực lớn - hơn chục lon đồ uống có ga mỗi ngày mới có thể dẫn đến tác hại này và chỉ trích WHO đã gây ra sự hoảng loạn hàng loạt không cần thiết.
Ở Anh, chất aspartame được quản lý chặt chẽ trong thực phẩm. Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) đặt ra mức tiêu thụ aspartame hàng ngày có thể chấp nhận được là khoảng 14 lon nước uống có ga dành cho người ăn kiêng cho một người nặng khoảng 70kg. Điều này có nghĩa là hầu hết mọi người rất khó có thể tiêu thụ một lượng không an toàn.
Tổ chức Cancer Research UK cũng đồng ý rằng không có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy chất làm ngọt nhân tạo, như aspartame, gây ung thư.
Uống nước từ chai nhựa
Chai nước, hộp cơm và bao bì thực phẩm bằng nhựa từ lâu đã bị nghi ngờ có chứa hóa chất gây ung thư. Bisphenol A, còn được gọi là BPA, là một hóa chất được tìm thấy trong chai và hộp nhựa được cho là có thể ngấm vào thức ăn, đồ uống và phá vỡ nội tiết tố.
Kết quả là nó được xem là có liên quan chặt chẽ đến (nhưng không phải nguyên nhân) một loạt vấn đề sức khỏe bao gồm các vấn đề về sức khỏe sinh sản, tiểu đường và béo phì.
Một đánh giá năm 2015 của các nhà nghiên cứu ở Mỹ về đặc tính gây ung thư trong BPA đã khuyến nghị rằng nó nên được phân loại là có thể có nguy cơ gây ung thư cho con người.
Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hóa chất này có khả năng gây ung thư nhưng những thí nghiệm này vẫn liên quan đến tế bào người trong phòng thí nghiệm hoặc động vật. Điều này rất khác với cách mọi người tiếp xúc với những hóa chất này trong đời thực.
Một nghiên cứu khác năm 2018 của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã làm thí nghiệm với động vật và cho chúng tiếp xúc với BPA nhưng tìm ra được rất ít bằng chứng về việc hóa chất này gây ung thư.
Cơ quan FDA cũng quy định rằng mức BPA được phát hiện trong thực phẩm ở Anh không được coi là có hại. Tại EU, nhựa dùng làm bình sữa và đồ chơi trẻ em phải không chứa BPA và nhiều chai và hộp đựng nước bằng nhựa có thể tái sử dụng cũng không chứa BPA.