Bệnh sốt xuất huyết ngoài triệu chứng sốt còn có các triệu chứng nhức đầu, đau cơ, phát ban trên da và mệt mỏi, suy kiệt.
Ngoài các phương pháp điều trị theo phác đồ của bác sĩ, kế hoạch ăn uống cho bệnh sốt xuất huyết đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phục hồi bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết. Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết cần được bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng và lành mạnh.
ThS. BS Vũ Mạnh Cường - Phụ trách điều hành Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E khuyên người bệnh nên ăn uống đầy đủ, cần có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ chất, ưu tiên các thực phẩm giúp tăng tiểu cầu. Chế độ dinh dưỡng đúng với người bệnh sốt xuất huyết rất quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng, tăng khả năng miễn dịch, làm giảm nguy cơ bị bệnh nặng, giúp người bệnh sớm hồi phục.
1. Kế hoạch ăn kiêng lành mạnh cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Người bệnh nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa như các món luộc, rau xanh, chuối, táo, súp, cháo và trà thảo mộc. Thức ăn như cháo gà, súp gà là một lựa chọn tốt vì chất xơ và giá trị dinh dưỡng cao của cháo giúp bổ sung dinh dưỡng để người bệnh có đủ sức mạnh để chống lại bệnh tật.
Uống nhiều chất lỏng để lấy lại chất điện giải và ngăn ngừa mất nước. Ví dụ: nước trái cây tươi, nước dừa, dung dịch bù nước qua đường uống (ORS) hoặc các loại trà thảo mộc có thể giúp giảm các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.
Tiêu thụ thực phẩm có vitamin C đóng vai trò như một phương pháp chữa bệnh tự nhiên đối với bệnh sốt xuất huyết vì nó thúc đẩy các kháng thể để chữa bệnh và phục hồi nhanh hơn, chẳng hạn như đu đủ và nước cam.
Người bệnh nên uống nước ép trái cây có chứa vitamin C là một chất chống oxy hóa hiệu quả. Nó kích hoạt sản xuất collagen và giúp tăng cường hệ thống miễn dịch. Các loại trái cây như cam, dứa, dâu tây, ổi và kiwi giúp tăng cường sản xuất tế bào bạch huyết, giúp chống lại sự lây nhiễm virus.
Nước ép lựu hoặc nước ép nho đen, rau lá xanh (luộc), dầu gan cá, dầu hạt lanh, trái cây tươi làm tăng số lượng tiểu cầu.
2. Thực phẩm cần hạn chế khi bị sốt xuất huyết
Bất cứ ai bị sốt xuất huyết đều nên tránh ăn cay, thực phẩm có chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến, đồ uống có đường và có gas, tuyệt đối tránh rau sống. Một số thực phẩm nên hạn chế khác như thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt…
Tránh ăn thực phẩm chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn vặt, đồ ăn nhiều dầu mỡ và cay, dưa chua… Nhiều người bệnh sốt xuất huyết gặp các vấn đề về dạ dày, nếu ăn thức ăn nhiều dầu mỡ và cay sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng của dạ dày.
Ngoài ra, không nên uống trà, cà phê, ca cao và đồ uống có chứa caffein khác.
3. Tham khảo những loại trái cây nên ăn khi bị sốt xuất huyết
Cam: Cam có đầy đủ các chất dinh dưỡng và vitamin cần thiết. Chúng rất giàu vitamin C, là một chất chống oxy hóa quan trọng.
Đu đủ: Đu đủ kích hoạt sản xuất tiểu cầu nhanh hơn ở bệnh nhân sốt xuất huyết. Nghiền nát một vài lá đu đủ và uống nước ép của nó hai lần mỗi ngày có thể có lợi cho người bệnh sốt xuất huyết. Để chắc chắn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.
Nước dừa: Nước dừa là một trong những thực phẩm tốt nhất cho bệnh nhân sốt xuất huyết vì nước dừa là nguồn cung cấp nước tự nhiên, các khoáng chất cần thiết và chất điện giải.
Nước ép rau củ: Cà rốt, dưa chuột và các loại rau lá xanh khác cũng rất tốt cho người bệnh sốt xuất huyết. Những loại rau này chứa nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết giúp tăng cường miễn dịch và giảm bớt triệu chứng mệt mỏi của bệnh nhân sốt xuất huyết.
Bên cạnh chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh, tránh ăn những thực phẩm có hại cho quá trình điều trị và phục hồi, người bệnh nên nhớ nguyên tắc cung cấp một lượng lớn chất lỏng với chế độ ăn nhẹ, đầy đủ dinh dưỡng.
Lưu ý, không bao giờ trì hoãn việc điều trị bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt nếu xuất hiện các triệu chứng như đốm đỏ trên da, chảy máu từ bất kỳ vị trí nào, phân đen, chảy máu chân răng, buồn ngủ nhiều, khó thở, da tái và thường xuyên nôn mửa hoặc có kinh nguyệt sớm khi chưa đến chu kỳ...