Loại rau ăn vô vàn lợi ích
Theo bài viết đăng tải trên Bệnh viện đa khoa Vimec, cây rau hẹ có chứa các chất dinh dưỡng quan trọng, tốt cho giấc ngủ và sức khỏe của xương. Một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các chất hóa học trong hẹ có tác dụng chống ung thư.
Cây lá hẹ là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Lá hẹ chứa ít calo nhưng lại có nhiều chất dinh dưỡng có lợi như là vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa. Tuy nhiên, để nhận được một lượng đáng kể các chất dinh dưỡng này, bạn sẽ phải ăn một lượng lớn lá hẹ.
Theo Y Học Cổ Truyền, cây lá hẹ tính nhiệt, khi nấu chín thì ôn, vị cay, đi vào các kinh Can, Vị và Thận. Lá hẹ có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ và giải độc. Thường được sử dụng trong điều trị các chứng bệnh đau tức ngực, nấc, ngã chấn thương,...
Phần gốc rễ cây hẹ có tính ấm, vị cay, có tác dụng ôn trung, hành khí, tán ứ, thường được dùng để chữa ngực bụng đau tức do thực tích, đới hạ, các chứng ngứa,... Hạt của cây hẹ có tính ấm, vị cay ngọt, đi vào các kinh Can và Thận, nó có tác dụng bổ Can, Thận, tráng dương và cố tinh. Thường được dùng làm thuốc chữa chứng tiểu tiện nhiều lần, mộng tinh, di tinh, lưng gối yếu mềm.
Lá hẹ tốt cho giấc ngủ và tâm trạng: Lá hẹ có chứa một lượng nhỏ choline, đây là một chất quan trọng giúp duy trì cấu trúc của màng tế bào. Ngoài ra, choline cũng giúp cải thiện trí nhớ, tâm trạng, kiểm soát cơ bắp và các chức năng khác của não và hệ thần kinh.
Là một nguồn vitamin K dồi dào: Lá hẹ có chứa vitamin K, rất quan trọng đối với sức khỏe của xương và quá trình đông máu. Các nguồn cung cấp vitamin K khác gồm có rau lá xanh, dầu thực vật và trái cây bao gồm quả việt quất và quả sung.
Cung cấp folate: Cây lá hẹ cũng chứa folate, chất dinh dưỡng cần thiết để phòng ngừa chứng sa sút trí tuệ, bao gồm cả bệnh Alzheimer.
Thuốc quý từ lá hẹ
Cũng theo VTC, Rau hẹ nhiều tác dụng nhưng nổi bật nhất là tác dụng làm sạch mỡ trong gan. BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3) chia sẻ trên VTC cho biết, hẹ là một trong những vị thuốc tốt cho gan. Kiên trì ăn hẹ sẽ “sạch” mỡ trong gan.
Dùng hẹ làm thuốc chữa gan nhiễm mỡ như sau: Hải đới 100g ngâm nước cho nở, cắt sợi; Lá hẹ 200g cắt đoạn dài thêm tỏi giã nhuyễn, dấm, dầu vừng, tương và một ít đường trộn đều. Món ăn này dùng ăn hàng ngày duy trì trong một tháng giảm tình trạng mỡ trong gan.
Trong y học cổ truyền hẹ còn được dùng để bảo vệ dạ dày. Người viêm loét dạ dày thể hàn, đau vùng thượng vị, buồn nôn hoặc nôn do lạnh có thể dùng lá hẹ 250g, gừng tươi 25g. Tất cả giã nát, lọc lấy nước đổ vào nồi cùng với 250 g sữa bò. Đun nhỏ lửa cho đến khi sôi, uống nóng.
Theo bác sĩ Vũ, người mắc trĩ bị sưng đau dùng lá hẹ xông hậu môn giúp giảm đau. Trường hợp trĩ sa ra ngoài (lòi dom) dùng lá hẹ giã nhỏ trộn dấm, đảo nóng có thể dùng 2 miếng vải sô sạch gói hẹ để chườm và chấm hậu môn.
Hẹ còn được mệnh danh là cây bổ thận tráng dương. Một trong những bài thuốc nổi tiếng được nhiều người biết đến là rượu hồi xuân hay cung đình hồi xuân tửu. Theo bài thuốc này hạt hẹ được ngâm cùng cây kỷ tử, ba kích, hồng sâm, lộc nhung, đường phèn, rượu trắng. Ngâm nửa tháng có thể dùng dần.
Hẹ còn được dùng điều trị chứng liệt dương, di tinh, xuất tinh sớm. Dùng 0,5kg rau hẹ tươi giã lấy nước, uống ngày 2 lần trong một tuần.
Không chỉ tốt cho nam giới mà hẹ còn tốt cho nữ giới. Phụ nữ bị đau lưng, gối, tiểu tiện nhiều, nữ giới bị khí hư, lãnh cảm dùng hẹ nấu ăn giúp giảm triệu chứng.
Một số bài thuốc hay từ cây hẹ:
- Chữa rôm sẩy: Rễ hẹ 60g sắc nước uống.
- Chữa cảm mạo, ho do lạnh: Hẹ 250g, gừng tươi 25 g, cho thêm ít đường hấp chín, ăn cả cái và uống nước.
- Chữa táo bón: Hạt hẹ rang vàng, giã nhỏ. Mỗi lần uống 5g. Hòa nước sôi uống ngày 3 lần.
- Chữa đau răng: Hẹ (cả rễ) giã nhuyễn, đặt vào chỗ đau, đặt liên tục cho đến khi khỏi.
- Chữa hen suyễn: Lá hẹ một nắm giã nát, lấy nước uống hay sắc lên để uống.
- Chữa ghẻ: Lá hẹ 50g, rau cần 30g, giã nát đắp lên chỗ tổn thương. Ngày 2 lần.
- Trị giun kim: Rễ hẹ giã lấy nước cho uống.
- Chữa đi tiểu nhiều lần: Lá hẹ, Cây tơ hồng xanh, Ngũ vị tử, Phúc bồn tử, Câu kỷ tử, Nữ trinh tử. Cho lượng bằng nhau, phơi khô tán bột, mỗi lần uống 6 g. Ngày uống 2 lần với nước ấm.
Lưu ý khi dùng cây rau hẹ
Theo Báo Sức khỏe Đời sống, các cách sử dụng cây rau hẹ làm thuốc chỉ có tính chất hỗ trợ, không có hiệu quả ngay lập tức nên người bệnh cần duy trì chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Cây rau hẹ kỵ với mật ong và thịt trâu nên không nên sử dụng kết hợp hai nguyên liệu này.
Một số trường hợp như người bị nóng trong, mụn nhọt trong người, người mắc bệnh đường tiêu hóa… không nên dùng cây rau hẹ do có thể làm trầm trọng hơn triệu chứng bệnh.