Theo dược sĩ dinh dưỡng Lê Kim Phụng, nguyên giảng viên trường Đại học Y dược TP HCM, lá mơ lông có tên khác là mơ tam thể, là một loại dây leo, nhiều lông mịn trên gân có một mặt màu tím nhạt, một mặt xanh.
Cây chứa một tinh dầu hăng mùi của bisulfur carbon và alcaloid và paederin. Loại lá này dễ nhận biết với mùi hôi, do trong thành phần hóa học có chứa methyl mercaptan. Lá có vị hơi đắng, mặn, mùi hôi, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, sát trùng.
Hợp chất được chiết từ lá mơ có hoạt tính sinh lý cao với cơ thể người, đặc biệt là hệ thần kinh. Chất tinh dầu sulfur dimethyl disulphit tác dụng như thuốc kháng sinh, chống viêm. Lá mơ có thể điều trị một số bệnh như:
Đau dạ dày
Lấy khoảng 20-30 g lá mơ rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt uống một lần trong ngày.
Kiết lỵ
Nếu bị lỵ mới phát thì lấy một nắm lá mơ, lá phèn đen, nhúng qua nước sôi, giã nát, vắt lấy nước cốt uống, ngày 2-3 lần. Có thể thay thế bằng cách cắt nhỏ lá rồi đánh chung với một quả trứng gà, đun nóng chảo và sau đó đổ hỗn hợp trên vào, để cho khô trên chảo rồi ăn, ngày một đến hai lần.
Trị giun
Lấy 50 g lá mơ, giã nát, vắt lấy nước cốt, cho ít muối uống vào buổi sáng lúc đói.
Chữa ho gà
Lá mơ 150 g, bách bộ, cỏ mần trầu, rễ chanh, cỏ nhọ nồi, rau má, mỗi loại 250 g, cam thảo dây 150 g, trần bì 100 g, gừng 50 g, đường kính vừa đủ. Cho vào 6 lít nước, trộn lẫn rồi đun sôi còn một lít. Chia ra ngày uống khoảng 3 lần.
Chống co giật
Nghiền nát khoảng 15 đến 60 g lá tươi, trộn nước ấm, khuấy đều và vắt lấy nước, uống trước bữa tối.
Viêm tai ở trẻ nhỏ
Trẻ bị viêm tai giữa chảy mủ. Bạn có thể lấy lá mơ lông hơ trên lửa cho nóng, vò lá và nhét vào tai trẻ và để qua đêm đến sáng hôm sau rồi lấy ra.
Bệnh đường ruột
Nước ép lá mơ chứa anthelmintic - có tác dụng mạnh trên ký sinh trùng đường ruột, có tác dụng giảm đau, nhuận tràng, lợi tiểu, thanh lọc cơ thể và kích thích sự thèm ăn.
Cảm lạnh
Hấp chín hoặc ăn sống khoảng 25 lá.