Mô tả cây
Chùm ruột còn gọi là tầm duột, chùm giuột, tầm ruộc, mak nhôm (Vientian). Tên khoa học Phyllanthus distichus Meull, Arg. (Phyllanthus acidus Skeels, Cicca disticha L.).
Thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae. Chùm ruột là một cây nhỏ, thân nhẵn. Cành có vỏ màu xám nhạt, trên có nhiều vết sẹo của lá cũ. Cành non màu xanh nhạt nhẵn. Lá mềm, mỏng, mặt trên màu xanh nhạt, mặt dưới mày nhạt hơn, dài 4 - 5cm, rộng 18 - 20mm, phía cuống tù hay hơi tròn, đầu phiến nhọn.
Hoa mọc thành xim đơm nhị lệ trên những cành gầy nhỏ, dài 6 - 15cm, tụ thành từng cụm 4 - 7 hoa trên những mấu tròn, ở kẽ những lá đã rụng. Quả nang, 4 mảnh, khi chín có màu đen nhạt, đường kính 5mm có đài hơi đồng trưởng, cuống quả dài chừng 7mm.
Thường mọc hoang và được trồng ở miền Nam để ăn quả. Có mọc và được trồng ở Lào. Tại miền Bắc (Hà Nội), một vài nhà cũng trồng làm cảnh. Còn mọc ở nhiều nơi vùng nhiệt đới châu Á (Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines) và ở đảo Mangat. Tại miền Nam người ta thường bán những quả chưa chín để ăn sống hoặc nấu chín, vỏ quả khi đó có màu trắng vàng nhạt, trông như sáp, khía thành 4 - 6 múi, vị chua. Người ta còn dùng các bộ phận khác làm thuốc như vỏ thân, rễ, lá.
Thành phần hóa học: trong quả có 89 - 91% nước; 0,73 - 0,90% protit, 0,61 - 0,76% lipit, 5,89 - 7,29% gluxit, độ chua biểu thị bằng axít axetic chừng 1,7%. Độ tro chừng 0,52 - 0,84%. Ngoài ra còn có chừng 40mg vitamin C trong 100g quả (gần như trong bưởi và chanh). Vỏ rễ chứa saponin, axít gallic và một chất kết tinh.
Phần vỏ cây và rễ chứa nhiều độc tố nên tuyệt đối không được uống
Các bộ phận khác chưa thấy có tài liệu nghiên cứu.
Công dụng và liều dùng
Quả được dùng để ăn sống hoặc nấu canh cho mát, giải nhiệt chữa được chứng nhức đầu. Mứt chùm ruột rất dễ làm, mứt có màu đỏ tím rất hấp dẩn, khi ăn có vị chua thanh, ngọt, rất dược trẻ con và người lớn ưa thích.
Những bộ phận khác, nhân dân có dùng nhưng thường để chữa ngoài da. Lá giã với hột tiêu đắp lên những chỗ đau ở hông và ở háng
Rễ có độc tính, thường được nhân dân Malaysia dùng để xông chữa nhức đầu và ho, ở đảo Giava dùng chữa hen (với liều rất nhỏ). Tại Ấn Độ, vỏ rễ thường được dùng để đầu độc. Người bị ngộ độc nhức đầu, ngây ngất, chết với những triệu chứng đau bụng mạnh.
Chữa lở ngứa, mề đay, ghẻ loét, vết thương ngoài da: vỏ thân cây phơi khô, tán bột, chưng với dầu dừa dùng để bôi.
Chữa hen suyễn: lấy 6 quả chùm ruột, 2 củ hành đỏ, một nắm hạt đậu biếc, 8 quả long nhãn, rửa sạch và nghiền nhỏ. Sau đó, thêm vào 2 tách nước và đun đến cạn còn 1/3, để hơi nguội, lọc và uống với ít đường, ngày 2 lần.
Rượu vỏ chùm ruột: phơi khô vỏ thân cây, tán thành bột mịn. Rượu trắng nồng độ cao, cứ 200g bột ngâm với 1 lít rượu để trong 10 ngày là sử dụng được. Rượu ngâm vỏ thân cây nhỏ vào tai chữa thối tai tiêu mủ, bôi chữa ghẻ, loét, vết thương chảy máu ngoài da, ngậm chữa đau răng, đau họng.
Nước sắc vỏ cây chùm ruột (được cô lại cho đặc) và rượu rễ cây chùm ruột chữa bệnh vảy nến. Lưu ý, cấm không được uống nước sắc cũng như rượu ngâm vỏ rễ cây chùm ruột vì rất độc, có khả năng gây chết người, nhẹ thì cũng váng vất, nhức đầu, nặng hơn sẽ đau bụng dữ dội và xấu nhất có thể tử vong. Ngoài ra, bột vỏ thân ngâm dấm còn chữa được bệnh trĩ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh.
Cây chùm ruột có nhiều tác dụng là vậy nhưng phải hết sức chú ý bởi phần vỏ cây và rễ chứa nhiều độc tố nên tuyệt đối không được uống, hay tiếp xúc bằng đường miệng. Dân gian cho rằng lá chùm ruột, trái chùm ruột không thể thiếu kho ăn cá, tép nướng, nhưng tuyệt đối không ai bẻ nhánh chùm ruột làm gắp để nướng cả, vì nếu ăn phải chất nhựa trong da cây này nhẹ thì cũng choáng váng, nhức đầu, nặng hơn sẽ đau bụng dữ dội và nguy kịch đến tính mạng. Ngoài ra, những người mắc bệnh gút và sỏi thận không nên ăn chùm ruột, vì trái chứa nhiều axít oxalic.