Nội dung bài viết
- Đặc điểm của cây màng tang
- Thành phần hóa học
- Cây màng tang có tính vị như thế nào?
- Liều lượng khi sử dụng cây màng tang là bao nhiêu?
- Công dụng của cây màng tang
- Bài thuốc chữa ngoại cảm, tê thấp và đau nhức xương
- Bài thuốc chữa viêm vú cấp tính
- Bài thuốc chữa phù chân lâu ngày
- Bài thuốc chữa đau bụng kinh niên, đầy hơi, tiêu chảy
- Bài thuốc trị muỗi, côn trùng cắn
- Bài thuốc chữa căng cơ do vận động nhiều
- Bài thuốc chữa tỳ vị kém, đầy bụng, tiêu hóa kém
- Bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng
- Một số tác dụng khác của cây màng tang
Đặc điểm của cây màng tang
Cây màng tang có tên khoa học là Litsea cubeba (Lour.) Pers, thuộc Họ Long não (Lauraceae). Cây màng tang còn có tên gọi khác là: Khương mộc, Tất trừng già hoặc Sơn thương.
Màng tang là loại cây cây bụi hoặc thường xanh có chiều cao trung bình khoảng từ 5 – 8m. Vỏ thân màu xanh và có lỗ bì nhưng khi già thì sẽ chuyển dần sang màu nâu xám. Cành cây nhỏ và nằm ngang.
Lá mọc so le nhau, phần phiến lá dày, có hình mác dài khoảng 10cm, rộng khoảng 1.5 – 2.5cm. Mép lá nguyên, mặt phía trên lá có màu xanh lục, mặt phía dưới có màu xám sau đó chuyển sang màu đen. Cuống lá mảnh, gân lá khá rõ.
Hoa nhỏ khác gốc có màu vàng nhạt và mọc thành từng chùm ở nách lá. Quả mọng có hình tròn hoặc hình trứng, khi chín sẽ có màu đen và mùi rất thơm. Mùa hoa vào khoảng tháng 1 – 3 còn mùa quả khoảng tháng 4 – 9.
Cả phần rễ, lá, cành hay quả đều có thể được sử dụng để làm vị thuốc chữa bệnh.
Ở nước ta, cây màng tang mọc hoang dại ở khắp những vùng núi cao có khí hậu mát mẻ. Điển hình nhất là ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang…
Khi thu hái và sơ chế, tùy thuộc vào từng bộ phận của cây mà sẽ có cách thu hái và sơ chế khác nhau. Phần rễ, lá, cành có thể thu hái quanh năm, dùng ở dạng tươi hay sơ chế bằng cách rửa sạch cắt khúc và phơi khô để dùng dần.
Còn riêng phần quả sẽ thường được thu hái vào mùa hè thu, khoảng từ tháng 4 đến tháng 9. Quả khi hái về sẽ đem chưng cất để lấy tinh dầu sử dụng.
Ở Việt Nam, màng tang thường mọc hoang hoặc được trồng để che bóng mát cho cây chè. Hiệu nay, khi biết được giá trị kinh tế, tác dụng của tinh dầu nên màng tang được trồng và thu hái quả để chiết xuất tinh dầu nguyên chất.
Màng tang ở các vùng núi được dùng vào mục đích khá dân dã là làm gia vị. Ở Lạng Sơn có món lá sau sau rừng ăn sống, chấm nước sốt cà chua có bỏ màng tang. Mùi vị của màng tang được mô tả là cay nồng và mạnh mẽ giống như quế.
Quả khô có màu đen, là nguồn chiết xuất tinh dầu màng tang chất lượng cao. Ngoài ra tinh dầu có thể được chiết xuất từ hoa, cành, vỏ, rễ và lá nhưng có chất lượng thấp và không giống mùi như chiết xuất từ quả.
Gỗ cây màng tang được sử dụng làm đồ nội thất, mỹ nghệ. Vỏ cây màng tang giã nát lấy nước giúp giải rượu hiệu quả.
Thành phần hóa học
Phân tích dược liệu màng tang có tìm thấy một số thành phần được ghi nhận như:
- Quả chứa tinh dầu (38 – 43%) một nguồn chiết xuất citral hàm lượng thường là 80%. Cây chứa tinh dầu (0.81%) và Alkaloid Laurote Tanin. Vỏ chứa Alkaloid N-methyl-laurate tanin.
- Vỏ rễ chứa 0.2 - 1.2% tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tinh dầu từ vỏ rễ gồm 10% Citral, 8 - 12% Citronellol.
- Lá chứa 0.2 - 0.4% tinh dầu, thành phần chủ yếu gồm 20 - 35% Cineol, ngoài ra còn các hợp chất andehit khoáng 6 đến 22%, ancol 20 - 25%.
- Hoa chứa tinh dầu, có khoảng 37% hợp chất Andehit.
Cây màng tang có tính vị như thế nào?
Dược liệu có vị cay, hơi đắng và tính ấm, có mùi thơm gần giống với sả.
Theo y học cổ truyền: Công dụng tán phong hàn, trừ thấp giảm đau, ôn trung hạ khí. Chủ trị: Ngoại cảm, nhức đầu, đau dạ dày, đầy hơi, phong thấp đau nhức xương, sản hậu ứ trệ, bụng đau, rối loạn kinh nguyệt…
Theo y học hiện đại: Hầu hết các tác dụng của dược liệu đều do những thành phần hóa học có trong tinh dầu mang lại: Kháng khuẩn với các chủng B. subtilis, Bacillus mycoides… Điều hòa nhịp tim, chống thiếu máu cơ tim. Đối kháng với viêm loét dạ dày do acid chlohydric.
Liều lượng khi sử dụng cây màng tang là bao nhiêu?
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng cũng như từng bài thuốc mà cách dùng dược liệu sẽ khác nhau. Cây màng tang có thể dùng dưới dạng nước sắc hoặc giã nát hay dùng tinh dầu để bôi ngoài da. Về liều lượng dùng được khuyến cáo cho một ngày như sau:
- 15 – 30g rễ ở dạng thuốc sắc.
- 3 – 10g quả ở dạng thuốc sắc.
Lá tươi giã nát để đắp liều không giới hạn.
Công dụng của cây màng tang
Bài thuốc chữa ngoại cảm, tê thấp và đau nhức xương
Chuẩn bị: 15 – 30g rễ hoặc thân màng tang. Thực hiện: Đem rửa sạch dược liệu rồi cho vào ấm sắc lấy nước uống. Có thể chia làm nhiều lần uống trong ngày nhưng mỗi ngày chỉ 1 thang.
Bài thuốc chữa viêm vú cấp tính
Chuẩn bị: 1 ít lá màng tang tươi. Thực hiện: Đem dược liệu đi rửa sạch rồi giã cho hơi dập. Tiếp đến cho vào nước vo gạo dầm và dùng để đắp ngoài da.
Bài thuốc chữa phù chân lâu ngày
Chuẩn bị: 30g lá màng tang tươi, 20g cành lá non cơm cháy, 9g cỏ gấu tươi. Thực hiện: Các vị thuốc trên cho vào cối giã nhuyễn. Sau đó thêm vào 1 lượng rượu trắng tùy ý. Trộn cho thật đều và đắp trực tiếp lên vùng chân bị tổn thương.
Bài thuốc chữa đau bụng kinh niên, đầy hơi, tiêu chảy
Chuẩn bị: Quả màng tang, rễ cúc áo hoa vàng, rễ chanh, rễ xuyên tiêu, rễ kim sương với lượng bằng nhau. Thực hiện: Các vị thuốc rửa sạch rồi đem cho hết vào ấm. Sau đó cho thêm nước và sắc trên lửa nhỏ đến khi thành cao lỏng. Bỏ phần bã đi và uống trực tiếp.
Bài thuốc trị muỗi, côn trùng cắn
Chuẩn bị: Lá màng tang với lượng tùy thích. Thực hiện: Đem chưng cất để lấy lượng tinh dầu. Sử dụng tinh dầu này để bôi trực tiếp lên chỗ bị thương. Trường hợp muốn ngăn ngừa muỗi thì bôi dầu vào những nơi muỗi hay trú ngụ trong nhà. Nếu không có tinh dầu thì cũng có thể thay thế bằng lá tươi giã nát rồi vắt lấy nước và bôi ngoài da.
Bài thuốc chữa căng cơ do vận động nhiều
Chuẩn bị: 20g lá màng tang, 4g bạc hà, 4g hương phụ, 20g ngũ gia bì gai, 16g tiên mao (các nguyên liệu đều ở dạng tươi). Thực hiện: Đem rửa sạch các vị thuốc rồi cho hết vào cối giã nhuyễn. Thêm 1 ít rượu trắng vào rồi dùng bó trực tiếp lên vị trí tổn thương. Dùng gạc băng lại trong 3 giờ, mỗi ngày thay thuốc 1 lần.
Bài thuốc chữa tỳ vị kém, đầy bụng, tiêu hóa kém
Chuẩn bị: 10g quả màng tang, 5g gừng tươi, 5g thủy xương bồ, 5g trần bì. Thực hiện: Các vị thuốc cho vào ấm sắc với 1 thăng nước trong 30 phút rồi uống trực tiếp. Ngày uống 1 lần duy trì liên tục trong 3 – 5 ngày.
Bài thuốc chữa viêm mũi dị ứng
Chuẩn bị: 60g lá màng tang, 60g ngải cứu, 100g viễn chí. Thực hiện: Các dược liệu đem nấu với nước rồi pha ấm để làm nước tắm. Tắm nước thuốc này mỗi ngày 1 lần, duy trì trong 7 ngày liên tiếp
Một số tác dụng khác của cây màng tang
Tinh dầu quả màng tang cho hiệu quả kháng ung thư phổi, ung thư gan và ung thư vòm họng. Các nhà nghiên cứu Đài Loan tiến hành đánh giá hiệu quả kháng ung thư của tinh dầu lá và quả của màng tang, được chiết xuất bằng cách thủy hóa. Tổng cộng có 53 và 50 hợp chất được xác định, tương ứng từ các loại tinh dầu lá và dầu quả.
Hợp chất chính trong tinh dầu lá màng tang là 1,8-cineol và trong tinh dầu quả màng tang là citral. Các nhà nghiên cứu nhận thấy tinh dầu quả màng tang thể hiện hoạt động gây độc tế bào chống lại các tế bào ung thư phổi, ung thư gan và ung thư miệng ở người. Ngược lại tinh dầu lá màng tang không có được tác dụng này.
Đây là một phát hiện rất quan trọng, bởi hiện nay ung thư vẫn là một trong những căn bệnh nguy hiểm bậc nhất và khoa học vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả. Nghiên cứu này cũng mở ra triển vọng điều trị bằng tinh dầu quả màng tang cho bệnh nhân ung thư.
Các alcaloid Isoquinoline từ cây màng tang Litsea cubeba có tác dụng kháng khuẩn. Nghiên cứu được thực nghiệm bởi các nhà khoa học Trung Quốc.
Cây màng tang dù chưa được biết đến rộng rãi như là một vị thuốc trong Đông y. Tuy nhiên với những tác dụng dược liệu quý nêu trên thì có thể cây màng tang sẽ được biết đến nhiều hơn trong việc chăm sóc sức khỏe mọi người.