Cảnh báo trên được đưa ra dựa trên một cuộc thí nghiệm quốc tế trên hơn 100.000 người, bằng chứng được thu thập từ tháng 1 năm 2003 đến tháng 3 năm 2021, theo nghiên cứu Dịch tễ học Prospective Urban Rural (PURE).
Các cá nhân đến từ 21 quốc gia, trong đó có bốn quốc gia với thu nhập cao như Thụy Điển, Canada, UAE, 12 quốc gia với thu nhập trung bình - Brazil, Ba Lan, Nam Phi và 5 quốc gia thu nhập thấp - Ấn Độ, Pakistan và Zimbabwe. Dữ liệu đã loại trừ một số quốc gia phương Tây lớn như Mỹ, Anh, cũng như các quốc gia tập trung đông dân như Nhật Bản, Trung Quốc và Nga.
Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 50. Họ được hỏi các câu hỏi về mức độ căng thẳng trong năm ngoái, xếp hạng từ 0 (không căng thẳng) đến 3 (cực kỳ căng thẳng).
7,3% người tham gia được phát hiện là bị căng thẳng nghiêm trọng, 18,4% bị căng thẳng ở mức độ vừa phải, có 29,4% người bị căng thẳng ở mức độ thấp và 44% người không hề cảm thấy căng thẳng.
Những người bị căng thẳng nhiều nhất trong số họ là những người thuộc độ tuổi trẻ, họ cũng được cho là có hút thuốc, bị béo phì và thuộc nhóm các nước có thu nhập cao.
Những cá nhân này được theo dõi cho đến tháng 3 năm 2021, thời gian trung bình khoảng 10 năm. Trong thời gian này, có 5.934 trường hợp bị mắc các bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đột quỵ hay suy tim đã được ghi nhận.
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có mức độ căng thẳng cao độ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn 22%, 24% với bệnh đau tim và nguy cơ đột quỵ lên đến 30%. Các nhà nghiên cứu đã điều chỉnh sự khác biệt về các yếu tố nguy cơ giữa các mức độ căng thẳng cao và thấp.
Tuy nhiên, nghiên cứu này có một số hạn chế. Ví dụ, nó không thể trả lời cho câu hỏi rằng liệu căng thẳng sẽ có xu hướng gây ảnh hưởng cấp tính hay mãn tính hơn, hay liệu nó có liên quan đến mức thu nhập của quốc gia cụ thể hay không.
Annika Rosengren, một giáo sư y khoa tại Đại học Gothenburg đã giải thích: "Chúng ta vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác gây ra nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao ở những người bị căng thẳng nghiêm trọng."
Rosengren cũng nói thêm: “Nhưng nhiều tình trạng khác nhau trong cơ thể, chẳng hạn như xơ vữa động mạch và đông máu, có thể bị tác động bởi sự căng thẳng. Nếu chúng ta muốn giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch trên toàn cầu, chúng ta cần xem căng thẳng như là một yếu tố nguy cơ.”