5 cách phòng bệnh do não mô cầu
PGS.TS Phạm Quang Thái, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết bệnh do não mô cầu có khả năng gây tử vong nhanh trong 24 giờ kể từ khi mắc bệnh. Các triệu chứng của bệnh không điển hình, ví dụ nhức đầu, đau họng, sốt, buồn nôn… dễ nhầm lẫn với cảm thường, dẫn đến dễ chẩn đoán sai, phát hiện muộn.
Người chưa có miễn dịch đều có thể nhiễm vi khuẩn não mô cầu, nguy cơ cao là trẻ dưới 2 tuổi, vị thành niên… Để xây dựng “lá chắn” phòng bệnh do não mô cầu hiệu quả, PGS.TS Phạm Quang Thái đã liệt kê 5 cách phòng ngừa cần chú ý áp dụng.
Tiêm ngừa vaccine
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo tiêm chủng là chiến lược kiểm soát tốt nhất giúp dự phòng bùng phát các vụ dịch và ca bệnh như bệnh do não mô cầu. Hiện các nhà khoa học đã tìm được 13 nhóm huyết thanh não mô cầu, trong đó, 6 nhóm A, B, C, X, Y, W gây ra 90% ca bệnh trên thế giới. Hiện vaccine phòng ngừa các nhóm này đã được sử dụng rộng rãi tại những trung tâm tiêm chủng dịch vụ tại Việt Nam.
Cơ thể không thể tự sinh kháng thể đặc hiệu với vi khuẩn não mô cầu. Do đó, tiêm đủ liều, đúng lịch là cách giúp hệ miễn dịch sinh kháng thể đặc hiệu với bệnh.
Trong đó, vaccine cộng hợp tứ giá ACYW hiện được dùng tại hơn 70 quốc gia trên thế giới với hàng trăm triệu liều đã được sử dụng. Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, từ khi đưa vào sử dụng, vaccine cộng hợp tứ giá ACYW phòng bệnh do não mô cầu đã giảm đến 90% số ca mắc bệnh ở các nhóm huyết thanh chính gây bệnh C, Y và W.
Ngoài ra còn nhiều vaccine mà trẻ em và người lớn cần chủng ngừa để bảo vệ bản thân, tránh bệnh chồng bệnh cũng như lây nhiễm cho người khác.
Tránh tiếp xúc người bệnh
Vi khuẩn não mô cầu lây qua đường hô hấp. Người mang vi khuẩn trong thời gian ủ bệnh vẫn có khả năng lây truyền cho người khác. Vi khuẩn còn có khả năng trú trong hầu họng của người khỏe mạnh mà không gây ra bệnh, tạo tình trạng người lành mang trùng.
Người nghi nhiễm hoặc nhiễm vi khuẩn não mô cầu cần giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sau khi tiếp xúc nơi đông người.
Giữ vệ sinh cá nhân
Dù vaccine có khả năng bảo vệ cao, người dân vẫn cần kết hợp các biện pháp phòng bệnh cá nhân: Súc họng trong khoảng 2 phút trong 3 lần, mỗi lần khoảng 15 giây, 2-3 lần/ngày, không súc lại bằng nước; rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn thường xuyên sau khi tiếp xúc nơi đông người; trước mỗi bữa ăn cần rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trong khoảng 30 giây.
Các khu trọ, ký túc xá cần thường xuyên lau sàn, ngâm đồ chơi của trẻ nhỏ trong dung dịch diệt khuẩn Cloramin B khoảng 30 phút. Người trưởng thành cần tránh hút thuốc ở những nơi gần trẻ em, vì trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh do não mô cầu lớn hơn người lớn.
Nâng cao thể trạng
Bên cạnh tiêm ngừa, nâng cao thể chất cũng là một cách giúp cơ thể chống chọi tốt hơn khi các dịch bệnh xuất hiện. Ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn đủ nhóm chất là các thói quen lành mạnh cần duy trì.
Trong đó, trẻ sơ sinh cần ngủ 20 giờ/ngày; trẻ khoảng 6 tuổi cần 10-12 giờ/ngày; thanh thiếu niên cần 8-10 giờ/ngày; người trưởng thành cần 7-9 giờ/ngày. Việc ngủ đủ giấc giúp củng cố hệ miễn dịch, khi cải thiện hiệu quả của các tế bào T có vai trò chống lại vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể.
Ngoài ra, mỗi người cần bổ sung các thực phẩm thiết yếu như đạm, cá, trứng, sữa, chất xơ và vitamin có trong rau, củ, quả, ngũ cốc cũng như tăng cường vận động.
Đến bệnh viện khi nghi mắc bệnh
Bệnh do não mô cầu có khả năng gây tử vong nhanh và các triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với cảm cúm. Do đó, người bệnh cần chú ý quan sát các dấu hiệu và đến ngay cơ sở y tế để xử trí kịp thời. Một số đặc điểm cảnh báo bệnh do não mô cầu: Khởi phát các triệu chứng như sốt cao đột ngột, liên tục đến 41 độ C, đau đầu dữ dội, co giật, buồn nôn, cứng cổ; ở trẻ sơ sinh có thể xuất hiện các biểu hiện như thóp căng phồng, li bì, bỏ bú…
Sau khi sốt 1-2 ngày, bệnh nhi thường có những nốt tử ban trên da màu xanh tím hoặc đỏ thẫm, đường kính 1-5 mm. Tử ban có thể xuất hiện độc lập hoặc liên kết tạo thành đám, lan nhanh chóng, hình thành vùng da hoại tử. Lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế, không nên chần chừ tự điều trị tại nhà.
Lưu ý, người dân không tự ý mua kháng sinh khi có dấu hiệu bệnh do chưa xác định được nguyên nhân, làm che lấp dấu hiệu bệnh, mất đi cơ hội được điều trị sớm vì bệnh là cấp cứu nội khoa. Việc tự ý dùng kháng sinh không có chỉ định bác sĩ về lâu dài có thể dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở người dùng, dẫn đến khó điều trị khi mắc bệnh.
Tránh ăn 5 loại thực phẩm này trong các ngày lễ để kiểm soát cân nặng
Để có một mùa lễ hội lành mạnh hơn, một chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên tránh những thực phẩm...
Bẻ khớp ngón tay kêu lục cục về già đau nhức khớp?
Bẻ khớp ngón tay là thói quen của rất nhiều người khi cảm thấy các khớp ngón tay tê mỏi.
Ca đột quỵ tại TP.HCM cao kỷ lục từ trước đến nay
Trong năm 2024, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận 17.340 ca đột quỵ, cao nhất từ trước đến nay....
Người bị mỡ máu cao nên ăn uống ra sao?
Máu nhiễm mỡ hay mỡ máu cao, thực chất là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu. Đây là...