Theo PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cấp cao bộ môn Tim mạch, Đại học Y dược TP.HCM, máu nhiễm mỡ là bệnh diễn biến âm thầm. Khi có dấu hiệu và biểu hiện nghĩ đến bị mỡ máu cao, tức là người bệnh đã có biến chứng.
Khi đó, người bệnh thường có một số dấu hiệu như có những cơn đau thắt ngực không thường xuyên, thời gian ngắn, tự mất không cần điều trị nhưng lại có thể tái diễn bất cứ lúc nào.
Người bệnh có cảm giác khó chịu vùng ngực như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức, kéo dài từ vài phút đến vài chục phút. Cơn đau thường xuất hiện khi gắng sức và giảm khi nghỉ, khó thở có thể kèm hoặc không kèm với tức ngực, có thể đau hoặc tức lan ra 1 hay 2 bên cánh tay, hướng ra sau lưng, lên cổ, hàm, thậm chí ở vùng dạ dày.
Người bệnh vã mồ hôi tự nhiên; buồn nôn đau đầu, choáng hoa mắt bứt rứt trong người; thở ngắn hồi hộp, cơ thể phì mập nhưng sức lao động lại giảm sút; cơ thể thường xuyên mệt mỏi.
Một số trường hợp có ban vàng dưới da, mọc nhiều trên da mắt, khuỷu tay, bắp đùi, gót chân, lưng, ngực… to bằng đầu ngón tay, màu vàng nhạt, không đau, không ngứa.
Khi có dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh mỡ máu, người bệnh cần đi xét nghiệm các thành phần lipid để chẩn đoán xác định.
PGS Nam cho biết những người bị mỡ trong máu cao, cần kiểm soát ăn uống một cách nghiêm khắc. Người bệnh nên ăn những loại thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp như rau xanh, các sản phẩm được làm từ đậu, thịt nạc thăn… Đặc biệt, nên ãn những loại rau xanh có chứa nhiều chất xơ.
Ngoài ra, người bệnh không nên ăn tối quá muộn với thức ăn nhiều đạm vì rất khó tiêu hóa. Ăn muộn sẽ làm lượng cholesterol đọng trên thành động mạch, dẫn đến xơ vữa động mạch.
Người được chẩn đoán mỡ máu cao nên ăn nhạt, có lợi cho sức khỏe và bệnh tim. Đồng thời, người bệnh nên kiêng thức ăn có nồng độ chất béo cao, nên ăn những thức ăn ít chất béo như cá, đậu phụ, đỗ tương.
Sử dụng thực phẩm có nhiều tác dụng giảm mỡ trong máu nhưgừng, chế phẩm đậu sữa, nấm hương, mộc nhĩ, hành tây, trà, dầu ngô... để khắc phục tình trạng cholesterol máu cao.
Bên cạnh đó, người bị mỡ máu cao cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, tăng cường vận động, ăn giảm béo. Người bệnh hạn chế ăn các loại phủ tạng động vật, thay thế mỡ động vật bằng dầu thực vật, ăn nhiều thực phẩm có chất xơ, ăn cá nước ngọt.