Bác sĩ Đoàn Hồng, Viện Y học ứng dụng Việt Nam, cho biết bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng. Viêm mạn tính ở phế quản, tắc nghẽn đường thở và sản xuất chất nhầy mạn tính gây ra những thay đổi trong phổi. Nhiều người bị viêm phế quản mạn tính rồi phát triển thành bệnh khí phế thũng.
Viêm phế quản mạn tính là tình trạng viêm đường thở thường thấy ở những người có tiền sử hút thuốc lâu dài, tiếp xúc với hóa chất môi trường hoặc có khuynh hướng di truyền. Người bệnh có thể bị ho có đờm do viêm phế quản mạn tính, nhưng không có khả năng lây nhiễm.
"Ho là thứ phát do sản xuất chất nhầy và kích ứng đường thở, không phải do nhiễm virus hoặc vi khuẩn", bác sĩ Hồng nói.
Tăng chất nhầy và viêm có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ cấp. Trường hợp bị viêm phế quản mạn tính và các triệu chứng đột ngột xấu đi, sốt, tăng tiết đờm hoặc đổi màu đờm, người bệnh có thể đã bị nhiễm trùng thứ phát.
Nhiễm trùng thứ phát với virus hoặc vi khuẩn là bệnh truyền nhiễm, có thể truyền từ người này sang người khác.
Bác sĩ Hồng cho hay viêm phế quản mạn tính không lây trừ khi có nhiễm trùng thứ phát. Đặc điểm ho mạn tính và tiết chất nhầy của bệnh này giống với viêm phổi hoặc nhiễm trùng đường hô hấp khác, nhưng thực tế không giống nhau.
Những người bị viêm phế quản mạn tính cần:
- Vệ sinh tay tốt, tránh những khu vực đông đúc và những nơi có hệ thống thông gió kém
- Uống nhiều nước và sử dụng máy tạo độ ẩm hoặc máy phun sương để làm dịu các triệu chứng
- Tránh ở xung quanh khói thuốc và ô nhiễm không khí
- Tập thể dục càng nhiều càng tốt
- Ăn các bữa ăn lành mạnh, cân bằng
- Nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc
- Giảm căng thẳng bằng cách hít thở sâu hoặc các bài tập thư giãn