Nam và nữ đều đạt được khối lượng xương cao nhất vào đầu những năm 20 tuổi. Tuy nhiên, đàn ông và phụ nữ có sự khác nhau về cấu trúc và kích thước xương, hormone ảnh hưởng đến sự phát triển của xương.
Khác biệt đáng kể nhất giữa bộ xương nam và nữ là kích thước. Sự khác biệt này có từ khi sinh ra và tiếp tục tồn tại trong suốt thời thơ ấu. Cấu trúc xương giữa nam và nữ cũng khác nhau.
Nam giới có đầu to hơn, tay chân dài hơn nữ và có liên quan đến kích thước cơ thể. Những khác biệt khác về xương ở nam và nữ là ở hộp sọ và các xương dài, nhất là xương đùi và xương chày; ở khuỷu tay, vai, ngón tay.
Nam giới có bề mặt xương, khớp lớn và khỏe hơn, có nhiều xương hơn ở các vị trí gắn cơ nhưng phụ nữ có xương chậu khỏe hơn. Xương chậu và thân của phụ nữ rộng hơn so với nam giới là vì có khả năng sinh con. Nó rộng hơn và dài hơn, được giữ với nhau bằng các dây chằng nới lỏng để cho phép xương chậu mở rộng lúc mang thai và sinh nở.
Một yếu tố khác tác động sự phát triển xương ở bé trai là testosterone - hormone giới tính chính ở nam giới giúp cải thiện kích thước xương. Estrogen là hormone giới tính chính ở nữ làm giảm sự phát triển của xương đồng thời điều chỉnh mức độ khoáng chất của xương.
Chính những sự khác biệt này tạo nên nguy cơ mắc bệnh xương khớp khác nhau ở hai giới.
Loãng xương
Loãng xương là tình trạng mất khối lượng xương, khiến xương mỏng và yếu, dễ gãy theo thời gian. Nguyên nhân do mất canxi, phổ biến ở người già. Với một số người, quá trình này diễn ra nhanh hơn, làm tăng nguy cơ loãng xương từ khi còn trẻ.
Loãng xương ảnh hưởng đến nam và nữ giới. Tuy nhiên, phụ nữ dễ bị loãng xương và gãy xương liên quan đến mật độ xương thấp hơn đàn ông.
Thiếu hụt estrogen cũng góp phần gây ra bệnh loãng xương ở phụ nữ và ở độ tuổi trẻ hơn so với nam giới. Sau 50 tuổi, phụ nữ bị gãy xương nhiều hơn nam giới do mất xương. Tuy nhiên, trước 50 tuổi, đàn ông có tỷ lệ gãy xương do các yếu tố nguy cơ cao hơn nữ giới.
Viêm xương khớp
Viêm xương khớp phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi hơn nam giới lớn tuổi. Nữ giới cũng có xu hướng viêm khớp nặng hơn so với đàn ông.
Phụ nữ thường bị ảnh hưởng nhiều hơn do hormone và cơ chế sinh học. Về mặt hormone, việc giảm estrogen và testosterone có vai trò trong sự phát triển viêm khớp ở phụ nữ. Nguy cơ mắc bệnh viêm khớp tăng cao ngay sau khi mãn kinh.
Testosterone được sản xuất ở buồng trứng nên trong thời kỳ mãn kinh nồng độ testosterone thấp hơn. Testosterone giúp xây dựng và tăng cường sức mạnh cơ bắp. Khi mức độ hormone này giảm càng, phụ nữ càng có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.
Phụ nữ thường có hông rộng hơn, khớp linh hoạt hơn, khả năng vận động tốt hơn cho chức năng mang thai và sinh nở. Ảnh hưởng của sinh nở góp phần vào sự phát triển của viêm khớp và tăng nguy cơ mắc bệnh này ở giới nữ. Quá trình mang thai làm tăng nhu cầu canxi để xây dựng bộ xương của thai nhi và trong thời gian cho con bú. Khi mang thai, mật độ xương và khối lượng xương có thể thay đổi.
Viêm khớp
Các tình trạng viêm khớp như viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến nhiều khớp và phát triển do hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức và gặp trục trặc. Các bệnh tự miễn này gây ra tình trạng viêm mạn tính, liên tục có thể dẫn đến tổn thương khớp và mô.
Phụ nữ có xu hướng bị viêm khớp thường xuyên hơn nam giới. Điều này có liên quan đến hormone giới tính và phản ứng của phụ nữ với nhiễm trùng, các tác nhân kích thích từ môi trường như căng thẳng.
Nồng độ estrogen cao ở phụ nữ có thể khiến hệ thống miễn dịch gặp trục trặc và tự tấn công cơ thể thông qua phản ứng sai hướng gọi là tự miễn dịch. Estrogen làm tăng cường tế bào B (tế bào về miễn dịch), là nguyên nhân gây rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch. Hơn nữa, estrogen có thể làm tăng sản xuất một số protein gây viêm, dẫn đến viêm khớp.
Nhiễm sắc thể X đóng một vai trò trong sự phát triển của các bệnh tự miễn. Phụ nữ có hai, trong khi nam giới chỉ có một nhiễm sắc thể X, nên nguy cơ mắc các loại bệnh này cao hơn.
Cả hai giới có thể làm chậm quá trình mất xương và giảm nguy cơ mắc bệnh xương khớp bằng cách ăn uống lành mạnh, giàu canxi và vitamin D, tập thể dục thường xuyên, không hút thuốc, uống rượu bia có chừng mực.