- Hôm nay em đi làm sao mà áo dài nhăn dữ vậy?
Chồng vừa đỡ túi xách cho tôi, vừa nhìn tôi như xoi mói và phát ra câu nói đó. Tôi sừng cồ:
- Sao? Bữa nay anh muốn theo dõi gì à? Tôi từ nào giờ đàng hoàng hay không anh biết mà?
Tôi cũng chẳng hiểu sao mình nhiều lời mà toàn lời chua ngoa đến vậy, có lẽ trong cuộc họp sáng giờ tôi đã quá mệt mỏi nên khi nghe anh hỏi vậy, tôi lại hiểu theo chiều ngược lại.
- Ô hay… em sao vậy? Là anh lo em đi làm cả ngày có mệt hay có bệnh gì không? Chắc em mệt phải nằm nghỉ nên áo nhăn thôi mà.
Tôi nghe thèn thẹn vì sự hiểu lầm vừa qua nên cúi đầu đi thẳng vào phòng. Vọng ngoài cửa bếp là tiếng bát đũa lanh canh, anh bảo con gái nhỏ mau đi tắm, con gái lớn hãy phơi quần áo nhanh lên để cùng ăn cơm. Tôi chợt thấy mình có lỗi. Anh là người đàn ông chu đáo thế kia mà.
Từ hồi mới cưới nhau, anh đã “xung phong” giặt quần áo cho hai vợ chồng chứ chẳng phải quăng ném quần áo, vớ, khăn búa xua rồi để vợ mình đi nhặt nhạnh mà giặt như bao người khác. Đôi khi mẹ bắt gặp anh làm cái chuyện “dơ người” đó thì anh cười hì hì: “Mẹ thông cảm đi, giặt quần áo là công việc nặng nhọc nhất trong nghề nội trợ đó. Vợ con đi làm cả ngày mệt rồi. Con cưng vợ cũng như ba cưng mẹ vậy”. Thế là mẹ anh… hết nói.
Ra riêng, nhà có máy giặt rồi, nhưng anh vẫn vui vẻ với việc giặt quần áo cho vợ, nhất là mấy bộ áo dài. Hạnh phúc tưởng chừng như mãi mãi thì bỗng dưng một năm nay anh mất việc. Chả là doanh nghiệp tư nhân nơi anh làm mười mấy năm nay vỡ nợ. Anh chạy đôn chạy đáo vài công việc linh tinh nên thu nhập chẳng vào đâu. Buồn tình nên anh ít nói hẳn, tôi cũng không buồn nói chuyện với chồng như ngày nào, bởi cảm giác phải mang trên vai chiếc gánh áo cơm làm tôi hụt hẫng và mệt mỏi.
Ngoài việc dạy ở trường, tôi còn “chạy sô” ở hai trung tâm ngoại ngữ để kiếm thêm, mỗi giờ dạy có bảy mươi ngàn, mỗi tối Hai, Tư, Sáu tôi dạy từ 6-9 giờ đêm nên cũng mệt lắm.
Anh càng ít nói hơn, giao thiệp bạn bè hầu như đã cắt đứt. Thế nhưng mỗi ngày của anh là bắt đầu từ năm giờ sáng, trở dậy nấu điểm tâm cho vợ con. Tôi chỉ việc mặc áo dài trang điểm rồi ngồi vào bàn ăn. Hai con sửa soạn xong thì thỏa sức ăn món mình yêu thích mà ba chúng vừa chế biến. Xong bữa, tôi đi đường này thì anh cũng chở hai con gái đi đường kia đến lớp. Trưa tôi về đã có cơm nóng canh ngon.
Dù vậy, tôi vẫn nghe ấm ức, đời đàn bà là phải nhờ chồng, không nhờ được thì thôi chứ sao phải căng vai ra nuôi chồng như tôi. Một thỏi son xịn không dám mua, một đôi giày đẹp thèm lắm cũng ráng nhịn. Là bởi vì cơm áo của bốn con người đấy! Vậy nên tôi tự cho mình quyền nóng nảy và “lên mặt” với chồng, vì tôi biết anh chỉ năn nỉ và xoa dịu tôi thôi chứ không khi nào dám quát lại.
Cơm nước xong, hai con rút vào phòng học. Tôi sẽ nằm “phè cánh nhạn” gắn tai phone mà nghe nhạc hay bật tivi xem như bao ngày nay thôi. Còn anh sẽ đánh vật với thau chén và cái bếp cần dọn dẹp.
Tôi chợt thấy thương chồng quá đỗi nên rón rén đi xuống bếp xem anh làm gì. Thì ra, anh đã làm xong mọi việc và đang ngồi ôm đầu bên ly rượu đầy. Đèn bếp không thèm bật, chỉ có duy nhất ánh sáng đỏ quạch từ hai ngọn nến của ban thờ táo quân.
Tôi lại gần, ôm chặt anh từ sau lưng hít hà mùi mồ hôi quen thuộc và thầm thì lời xin lỗi chuyện “vết áo nhăn” của buổi chiều. Anh xoay người ôm trọn tôi trong vòng tay thầm thì: “Anh biết em rất mệt mỏi với gánh nặng gia đình. Nhưng xin hãy thông cảm cho anh một thời gian ngắn nữa thôi. Đừng làm cho cả hai đều khó xử nữa nhé”. Trong bóng lờ mờ của ngọn đèn đỏ, tôi nghe những vệt dài nóng hổi rơi trên má mình. Nước mắt của anh, hay lệ lòng mình trào dâng, tôi cũng không biết nữa.