Nội dung bài viết:
Không bổ sung vitamin cho bà bầu bằng đường uống một cách bừa bãi
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế Thế giới (WHO), bà bầu chỉ cần bổ sung 3 loại vitamin duy nhất.
Thứ nhất là acid folic hay còn gọi là vitamin B9 cho bà bầu. Mẹ cần phải dùng trước khi có thai bởi vì B9 sẽ phát huy tác dụng từ rất sớm, nhất là từ 28 ngày sau khi thụ thai B9 đã tác dụng với hệ thần kinh. Sau đó, trong suốt quá trình thai nghén, mẹ cần bổ sung đều đặn acid folic giúp chống dị tật thần kinh, chống thiếu máu.
Thứ hai là sắt để tránh bị thiếu máu, tốt nhất bà bầu nên xét nghiệm Ferritin, nếu thiếu hụt thì mới dùng, vì khi dùng thừa sắt thì sẽ làm tăng hắc tố da, điều này không hẳn là tốt.
Thứ ba là canxi, tuy nhiên canxi chỉ dùng sau tuần thai thứ 20, không dùng trước 20 tuần và chỉ dùng khi có biểu hiện thiếu canxi như: chuột rút, tê chân tay, bà bầu bình thường cũng không nên dùng.
Hiện nay, phụ nữ vừa mới mang thai đã bắt đầu uống sắt, canxi mà không có chỉ định của bác sĩ. Chị em hãy nhớ rằng, không có một loại thuốc nào là tốt tuyệt đối cho thai kỳ, tất cả đều có mặt trái, vì vậy chỉ nên dùng các thuốc thực sự thiết yếu. Cách an toàn hơn cả là bổ sung vitamin cho bà bầu theo từng giai đoạn thông qua thực phẩm.
Bổ sung vitamin D cho bà bầu như thế nào?
Một nghiên cứu mới tại trường Đại học Queensland -Australia cho thấy: bổ sung vitamin D khi mang thai có thể giảm nguy cơ phát triển bệnh tự kỷ ở trẻ. Các bà mẹ không dùng vitamin D sẽ gặp nguy cơ sinh con mắc chứng tự kỷ gấp từ 2 - 7 lần so với những phụ nữ chú trọng bổ sung các loại vitamin trước và trong khi mang thai.
Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai cần bổ sung 5.000 IU vitamin D mỗi ngày trong suốt quá trình mang thai và cho con bú. Cách bổ sung vitamin D hợp lý nhất vẫn là bổ sung qua thực phẩm (cá hồi, cá thu, lòng đỏ trứng, cá mòi…).
Ngoài ra, có nghiên cứu đã khuyến cáo mẹ bầu nên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hợp lí (thường là 5 - 10 phút tiếp xúc tay, chân, bàn tay, cánh tay và mặt, 2 - 3 lần mỗi tuần) có thể mang lại lượng vitamin D đáng kể.
Nếu muốn bổ sung vitamin D bằng thuốc đối với phụ nữ mang thai cần phải qua kiểm tra, xét nghiệm. Mục đích là biết được mức độ vitamin D cần phần phải cung cấp thêm cho thai phụ là bao nhiêu.
Bổ sung vitamin D cho bà bầu phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh tình trạng thiếu hoặc quá liều. Hậu quả làm tăng canxi huyết quá mức, sỏi đường tiết niệu, choáng váng, đau bụng, đi ngoài, sỏi thận, cao huyết áp. Hoặc tình trạng vôi hóa nhau thai, làm bé không hấp thu được dinh dưỡng từ mẹ.
Bổ sung vitamin A cho bà bầu quá mức sẽ gây dị tật thai
Vitamin A đóng góp rất lớn đến sự phát triển của bào thai. Mẹ cần nhớ rằng, vitamin A được dự trữ rất lâu trong cơ thể, do đó khi mẹ bổ sung vượt ngưỡng khuyến cáo kể cả từ trước khi mang thai, thì lượng vượt mức này vẫn có khả năng ảnh hưởng khi thai nhi hình thành.
Nhu cầu hàng ngày của mẹ là 800 mcg, tương đương 3.000 UI. Ở Việt Nam, khẩu phần ăn hàng ngày của bà bầu còn thiếu nhiều, vì thế mẹ có thai nên tăng cường thức ăn nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa…) và các thức ăn giàu tiền chất vitamin A (beta carotene) như các loại quả, củ có màu vàng, đỏ hoặc các loại rau có lá màu xanh đậm.
Nhiệm vụ của vitamin A liên quan đến quá trình phát triển nội tạng và hệ thần kinh trung ương của thai nhi, ngăn ngừa khả năng thai nhi bị dị tật ở hệ thần kinh và một số cơ quan nội tạng khác.
Vitamin A rất cần cho sự phát triển của thai nhi, đặc biệt là hệ thần kinh nói chung và thần kinh võng mạc mắt nói riêng nhưng nếu cơ thể mẹ bầu hấp thụ một lượng vitamin A lớn hơn mức cho phép, nhất là vào những tháng thai nghén đầu tiên sẽ có thể làm thai nhi bị dị tật cũng ở các bộ phận đó.
Do đó mẹ không nhất thiết phải bổ sung vitamin A bằng viên uống mà chỉ cần ăn uống đủ chất là đã có thể bổ sung đầy đủ những dưỡng chất cần thiết. Vì việc bổ sung vitamin A dưới dạng viên uống, thậm chí nếu ngay cả việc ăn quá nhiều hoặc quá lạm dụng thực phẩm giàu vitamin A cũng sẽ gây ra tình trạng thừa vitamin A.
Bổ sung vitamin C cho bà bầu có hoàn toàn vô hại?
Số lượng Vitamin C được khuyến cáo (RDA) là 85 miligam (mg) đối với phụ nữ mang thai từ 19 tuổi trở lên; và 80mg đối với phụ nữ từ 18 trở xuống.
Theo Hội đồng Thực phẩm và Dinh dưỡng Hoa Kỳ - Viện Y học Dự trữ và Viện Khoa học Quốc gia: mức tiêu thụ tối đa cao nhất mà không gây nguy cơ có hại đó là 2000mg (2g) mỗi ngày đối với phụ nữ từ 19 trở lên và 1.8g đối với phụ nữ từ 18 trở xuống.
Việc tiêu thụ vitamin C liên tục trên 2g mỗi ngày có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh gout và phát triển sỏi thận. Liều cao vitamin C sẽ dẫn đến đau bụng, buồn nôn, mệt mỏi, tắc ruột, mất ngủ, nhức đầu, tiêu chảy, nóng bừng và phát ban.
Theo Hiệp hội Phụ nữ Mỹ, bổ sung quá nhiều vitamin C dành cho bà bầu có thể gây ra chứng thiếu hụt Vitamin ở trẻ sơ sinh (em bé sẽ bị thiếu vitamin C). Điều này được giải thích là do khi mẹ bổ sung quá mức, thận sẽ thải ra lượng vitamin C dư thừa, gây ra sự đề kháng hoặc không dung nạp vitamin C của thai nhi.
Bên cạnh đó, bà bầu rất dễ dàng để có được lượng vitamin C cần thiết hàng ngày từ thực phẩm. Do đó, hầu hết phụ nữ mang thai không cần dùng thêm thực phẩm chức năng bổ sung vitamin C. Một ly nước cam trong bữa sáng giúp đôi khi cũng đủ lượng vitamin mẹ cần.
Bổ sung vitamin E liên quan đến vấn đề tim mạch ở trẻ sơ sinh?
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng, bổ sung đủ vitamin E phối hợp và vitamin C làm giảm đáng kể tình trạng tiền sản giật, đặc biệt là ở những thai phụ có nguy cơ cao như rối loạn tăng huyết áp trong kỳ.
Bổ sung thường xuyên 400 đơn vị vitamin E hằng ngày vào 3 tháng giữa của thai kỳ sẽ giúp làm giảm tỷ lệ thai phụ bị tiền sản giật, hỗ trợ quá trình mang thai, giảm tỷ lệ sẩy thai hoặc sinh non do đã trung hòa bớt các gốc tự do trong cơ thể, góp phần vào sự phát triển của thai nhi.
Tuy nhiên, nếu uống quá nhiều vitamin E ở phụ nữ mang thai gây ra nhiều tác động xấu. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên quan giữa hàm lượng vitamin E cao trong cơ thể bà bầu với bệnh tim mạch ở trẻ sơ sinh.
Thai phụ lạm dụng vitamin E sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch ở trẻ sơ sinh lên tới 9 lần. Ngoài ra, dùng quá nhiều vitamin E có thể dẫn đến tình trạng: viêm da, tiêu chảy, nôn mửa, tăng nguy cơ xuất huyết, mờ mắt...
Vitamin E có nhiều trong trong các loại dầu thực vật, quả hạch, hạt hướng dương, hạt ngũ cốc, lạc, rau bina… Vitamin E có nguồn gốc từ tự nhiên được hấp thu và vận chuyển sang thai nhi tốt và hiệu quả hơn so với loại vitamin E tổng hợp.
Nếu muốn sử dụng vitamin E dạng uống để bổ sung, thai phụ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Có thể thấy, vitamin cho bà bầu là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, bất cứ một dạng thực phẩm nào nếu sử dụng quá nhiều đều dẫn đến những tác dụng ngược rất nguy hiểm. Vì vậy chị em cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn thực phẩm và thận trọng khi bổ sung các viên uống bổ sung vitamin cho bà bầu. Chị em hãy nhớ rằng: vitamin không hoàn toàn vô hại.