Chiều muộn, tôi ngồi tiếp một người đàn ông ngoài 40 tuổi. Anh đến, nói rằng không cần tư vấn gì hết, bởi chuyện nhà anh đã giải quyết xong rồi. Anh chỉ muốn có ai đó xa lạ, lắng nghe câu chuyện của anh, để giải tỏa và tìm câu trả lời cho chính mình.
Anh và vợ biết nhau từ năm lớp 12, chính thức hẹn hò từ năm thứ 3 đại học. Họ là tình đầu của nhau, là tình yêu những tưởng không gì chia cắt được, thế nhưng vẫn chia cắt. Theo lời anh, anh hoang mang không biết mình ở đâu trong cuộc hôn nhân ngần ấy năm. Vợ anh thông minh, quyết đoán, luôn sống có mục tiêu rõ ràng, làm việc hiệu quả. Còn theo nhận xét của nhiều người, anh “biết sống”, xử thế chừng mực, trân quý gia đình vợ và đặc biệt yêu vợ, yêu con.
Nhưng anh tự biết, mình không tài ba như vợ mong muốn. 15 năm sau ngày cưới, anh vẫn là nhân viên phòng kế hoạch ở công ty điện lực, trong khi vợ anh đã có nhà xưởng riêng, hơn 40 công nhân chuyên may đồ xuất đi Nhật. Anh cũng muốn giúp vợ, vì thấy vợ bận rộn và cực nhọc quá, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu.
Họ ngày càng khó có tiếng nói chung. Vợ cũng cố gắng lịch thiệp, cố gắng thể hiện sự tôn trọng chồng. Chuyện anh đưa đón, chăm con, chỉ vì vợ quá bận mà thôi. Rồi họ ly hôn, như một sự tất yếu; bởi cả anh và vợ đều hoang mang, chẳng hiểu trong nhà, mình đóng vai trò gì. Làm vợ thì sao, làm chồng thì thế nào? Trong môi trường bạn bè, công việc của vợ; chuyện ly hôn rồi làm mẹ đơn thân không ít, không có gì đáng xấu hổ, ngược lại nữa đằng khác.
Anh dọn ra riêng - bằng chứng của sự thất bại 15 năm. Anh sợ đơn côi, cũng muốn chứng tỏ với vợ, nên nhanh chóng lấy vợ khác - cô bạn học chung thời đại học, vừa mới thôi chồng. Không ai đoán được, 6 tháng sau ngày ly hôn, vợ cũ của anh bị bệnh, đi khám, phát hiện ung thư. Cầu đã rút ván, chị một mình chống chọi với bệnh tật, với áp lực công việc và nuôi con; vẫn tỏ ra giỏi giang, kiêu hãnh, không cần ai. Những đợt hóa trị kéo dài, tóc rụng hết, chị đội tóc giả đi làm, vẫn trang điểm, cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, không hề nói với anh. Có lẽ vợ cũ nghĩ, giờ họ là người dưng. Con trai thương mẹ, gọi điện kể với ba, “mẹ thì không cần ba, nhưng tụi con cần mẹ, ba giúp mẹ đi, được không?”.
Suy nghĩ rất nhiều, anh viết cho chị một email, bày tỏ mong muốn được nuôi con, để chị đỡ áp lực mà dành thời gian trị bệnh. Anh nói đơn giản, như bản tính vốn thế: “Anh biết, có thể mình không đủ sức lo cho con một cuộc sống như em mong muốn, không thể cho con đi du học hoặc mỗi năm đều du lịch nước ngoài. Anh biết con sống với em sẽ có điều kiện tốt hơn nhiều, nhưng anh thương con, ở tuổi ấy phải tự mình đương đầu với sự vắng mặt người thân. Con khóc với anh, nói rằng em đau đớn lắm. Cứ thả lỏng mình hoặc khóc nếu có thể, em nhé.
Cuộc đời ngắn quá. Cuộc sống chung của mình cũng ngắn. Giờ thì không thay đổi được gì nữa rồi. Ngày xưa, anh đã không mang lại hạnh phúc cho em. Giờ anh mong tròn trách nhiệm với con, nuôi con trong khả năng của mình…”.
Nhưng chị vẫn không cho phép mình thua cuộc. Trong email trả lời, chị cay nghiệt, xem bệnh tật của mình là hậu quả của những gì chị gánh chịu qua ngần ấy năm sống với anh, với stress, áp lực vì anh không hề chia sẻ, đỡ đần. Giá mà ly hôn sớm hơn, có thể chị không bị thế này, sao anh lại nỡ giành con trong lúc chị đang bệnh tật.
Anh xót con, còn chị thì giữ rịt, không cho anh đến thăm, không cho gặp con, đổ hết lỗi lên ba nó. Căn bệnh của chị và tờ giấy ly hôn của tòa đã xé toạc những ngày họ từng có với nhau. Anh đệ đơn xin thay đổi quyền nuôi con. Chị gấp rút lo thủ tục đưa con đi du học. Anh đau lòng. Gia đình mới vì thế cũng xào xáo.
Họ từng là một gia đình, nhưng là một gia đình không có trật tự ngầm để hiểu và vận hành. Họ không phân công để biết mình đang ở đâu, phận sự gì. Thay vì chị giỏi giang thì ra ngoài kiếm tiền, anh ít cầu tiến thì an phận chăm sóc con, chăm lo nhà cửa như một sự hoán đổi công việc thuần túy hơn là “trách nhiệm gánh vác”. Họ đâu cần phải tỏ ra mạnh mẽ, kiên cường hay tỏ ra hơn người. Chỉ cần mình biết, trong chính nhà mình, mình nên đứng đâu cho phù hợp, bằng tình yêu thương, là đủ.