Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, nguyên nhân chính gây tử vong do bệnh dại chủ yếu là do không tiêm vaccine phòng bệnh. Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Thuận cho biết 3 trường hợp tử vong tại địa phương cũng vì nguyên nhân này.
Lý do cho việc không đi tiêm ngừa có rất nhiều: Nghĩ chó nhà nuôi khỏe mạnh nên không sao, sợ chi phí tiêm ngừa tốn kém, hay thấy vết thương nhẹ chỉ trầy xước bên ngoài nên chủ quan... và rất nhiều nguyên nhân khác nữa.
Dù lý do để trì hoãn, không tiêm ngừa vaccine dại của mỗi người là thế nào đi chăng nữa, hãy luôn nhớ: Tính mạng con người vẫn là điều quan trọng nhất, 100% người bệnh sẽ tử vong sau khi phát bệnh.
Bệnh không chỉ lây nhiễm thông qua vết cắn của động vật nhiễm bệnh mà còn thông qua sự tiếp xúc giữa nước bọt chứa virus và vết thương hở hay các niêm mạc như mắt, mũi, miệng,… khi động vật liếm/cào.
Thời gian ủ bệnh dại ở người rất khác nhau, có thể khoảng 10 ngày sau khi bị chó cắn đã lên cơn dại và tử vong, nhưng có nhiều trường hợp thời gian ủ bệnh có thể lên đến nhiều năm. Chó cắn với vết thương sâu hoặc ở những vị trí gần khu vực thần kinh trung ương như đầu, mặt, cổ... thì thời gian ủ bệnh sẽ ngắn hơn.
Chính vì vậy, mọi người tuyệt đối không được chủ quan. Sau khi bị chó, mèo, chuột cào cắn, cần rửa sạch bằng các chất tẩy rửa thông thường (xà phòng, nước rửa chén,…) và nước sạch. Sau đó tới ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn chăm sóc và tiêm ngừa.
Theo Cục Y tế dự phòng, dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại.
Hầu hết trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại, đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.
Ở các nước Đông Nam Á, hàng năm, tỷ lệ chết vì bệnh dại chiếm 80% trên toàn thế giới. Từ năm 2004 đến nay, bệnh dại tăng lên rõ rệt ở các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam.