Hầu như bố mẹ nào cũng cảm thấy bé nhà mình luôn không bằng “con nhà người ta”, ngay cả những kỹ năng sơ khai nhất như tập đi, tập nói của trẻ cũng khiến phụ huynh lo lắng.
Kỳ thực, sự phát triển ở mỗi trẻ có thể không giống nhau. Bạn cần hiểu rõ khả năng của bé và có phương pháp thích hợp. Trong đó, việc rèn luyện năng lực ngôn ngữ rất quan trọng để trẻ phát triển tối ưu.
Các giai đoạn phát triển ngôn ngữ theo từng độ tuổi của trẻ
Từ 1 đến 3 tháng tuổi
Khi trẻ sơ sinh được 1 tháng tuổi, gần như lúc này bé đã có thể nghe thấy tiếng nói của những người thân thuộc nhất, đặc biệt là giọng của mẹ. Khi bạn trò chuyện với bé, những âm thanh ấm áp, quen thuộc sẽ khiến bé cảm thấy rất yên tâm.
Đến khoảng 2 tháng tuổi, bạn sẽ bắt đầu nghe được những âm thanh “ọ ọe”, “a oa” v.v… phát ra từ chiếc miệng nhỏ xinh của bé, và những “nguyên âm” này sẽ được bé lặp đi lặp lại liên tục.
Từ 4 đến 7 tháng tuổi
Trong giai đoạn 4 – 5 tháng tuổi, bé đã bắt đầu biết học ngôn ngữ, nhưng lúc này có thể bạn sẽ nghe không rõ bé đang muốn nói gì. Đến 6 – 7 tháng tuổi, bé sẽ biết mô phỏng âm thanh nói chuyện mà bé nghe được từ những người xung quanh.
Chính giai đoạn này, bạn có thể thử dạy bé vài âm tiết và từ ngữ đơn giản nhất, chẳng hạn như ba, mẹ, ông, bà, ẵm, chó, mèo v.v…
Từ 8 đến 12 tháng tuổi
Khi sắp tròn 1 tuổi, những âm thanh “ọ ọe” mơ hồ trước đó sẽ được thay bằng âm tiết rõ ràng hơn. Thời điểm này, để tăng cường khả năng hiểu của bé, bố mẹ cần nói chuyện với bé nhiều hơn, hãy cố gắng tạo cơ hội để bé được “trò chuyện” với bạn càng nhiều càng tốt.
1 tuổi
Mặc dù bé 1 tuổi đã bắt đầu nói những từ ngữ ngắn nhưng chỉ có mẹ mới có thể hiểu chính xác những gì bé nói. Các thành viên gia đình không cần quá nôn nóng, hãy cho bé thêm thời gian để được lắng nghe, mô phỏng và phát âm nhiều hơn. Đồng thời, người lớn hãy kiên trì chỉnh sửa cách phát âm chính xác cho bé.
2 tuổi
Đến giai đoạn 2 tuổi, trẻ không những hiểu được đa số nội dung mình nói mà lượng từ ngữ của trẻ cũng trở nên đầy đủ, rõ ràng hơn. Lúc này, trẻ có thể hiểu được những câu mệnh lệnh như “đi ngủ”, “đem búp bê lại đây” v.v… Ngoài ra, những người khác dù không tiếp xúc nhiều cũng có thể nghe được trẻ nói gì.
3 tuổi
Trẻ đã có thể nói được những câu tổ hợp gồm 3 – 4 từ ngữ, và trẻ còn biết bắt chước cách phát âm của người lớn. Một số trẻ thậm chí còn tỏ ra “nghiện” học ngôn ngữ, trẻ nói và hỏi không ngừng nên đòi hỏi người lớn phải nhẫn nại và nhẹ nhàng chỉ bảo.
4 đến 5 tuổi
Năng lực ngôn ngữ của một đứa trẻ 4 tuổi sẽ có bước tiến rất lớn. Về cơ bản đã có thể phát âm chính xác hầu hết từ ngữ, chỉ trừ một số ít âm thanh đặc biệt khó phát âm thì cần thời gian để trẻ rèn luyện.
Ngoài ra, tính hiếu kỳ, ưa bắt chước cũng khiến trẻ có thể học những từ thô tục từ môi trường xung quanh. Vì vậy, bố mẹ cần chú ý quan sát khi trẻ phát ngôn để kịp thời giảng giải, sửa chữa cho trẻ.
Phương pháp rèn luyện năng lực ngôn ngữ của trẻ
“Cường hóa” thính lực cho trẻ sơ sinh
Giai đoạn còn là trẻ sơ sinh, thường thì đa số thời gian các bé đều chỉ ngủ. Tuy nhiên, bạn nên tận dụng những lúc bé thức như lúc cho bé bú, lúc thay tã v.v… để tiếp xúc ngôn ngữ với trẻ thật nhiều.
Dành cho bé ánh mắt trìu mến, dịu dàng và nói chuyện với bé bằng giọng nói nhỏ nhẹ, ấm áp, cho dù bé không hiểu bạn nói gì cũng không thành vấn đề.
Quan trọng ở đây chính là khi bạn nói chuyện, đồng thời hãy cố gắng “dẫn dụ” cho bé phát âm, dù chỉ là những tiếng “a a” đều rất quý giá, vì chúng có lợi cho việc giúp trẻ học tập ngôn ngữ ngay thời kỳ sơ khai nhất.
Giúp trẻ có thói quen dùng ngôn ngữ hình thể phong phú
Theo PCBaby, đối với trẻ sắp được 1 tuổi, từ ngữ bé có được cũng đã tăng dần. Lúc này, ngôn ngữ hình thể của trẻ, đặc biệt là biểu hiện trên khuôn mặt và cử động tay đều có thể giúp người lớn hiểu được trẻ tốt hơn.
Ví dụ như trẻ giơ hai tay ra là ý nói rằng muốn được bạn ẵm lên. Hoặc khi bạn đang ôm trẻ trong lòng mà trẻ ngọ nguậy cơ thể không ngừng rất có thể biểu thị rằng trẻ cảm thấy không thích và muốn được buông ra v.v…
Ngoài ra, trong sinh hoạt hằng ngày, bố mẹ và người thân nên tận dụng mọi cơ hội để tương tác với trẻ và khích lệ trẻ thể hiện ngôn ngữ hình thể.
Những trò chơi sử dụng cử động tay, biểu cảm gương mặt kết hợp với các từ ngữ đơn giản sẽ rất tốt cho trẻ rèn luyện năng lực ngôn ngữ, đồng thời cũng giúp cơ thể trở nên linh hoạt hơn.
Tích cực khuyến khích trẻ dùng ngôn ngữ để biểu đạt mong muốn, cảm xúc
Lựa chọn cho trẻ những từ then chốt
Thông thường sau 1,5 tuổi, trẻ mới có thể nói được nhiều câu hoàn chỉnh, nhưng thực tế trẻ đã biết nói những từ then chốt xuất hiện trong câu ở giai đoạn sớm hơn. Nếu để ý, bạn sẽ phát hiện trẻ rất thích lặp lại một vài từ nhất định và thích dùng tay để “chỉ trỏ”.
Chính giai đoạn này, bạn nên lặp lại từ then chốt của trẻ với tốc độ chậm rãi, âm thanh rõ ràng như một cách giúp trẻ nhấn mạnh lại từ đó, đồng thời hãy dùng cách đơn giản nhất để biểu đạt cho trẻ hiểu ý nghĩa của những từ đó.
Cùng trẻ chơi trò chơi với chữ
Trẻ nhỏ rất thích những trò chơi có liên quan đến các bộ phận trên cơ thể mình, chẳng hạn như đếm ngón tay, ngón chân. Trong quá trình chơi lặp đi lặp lại như thế, trẻ sẽ dễ dàng nhận biết ngón tay, ngón chân là gì, biết cả con số, nếu vừa hát vừa phối hợp động tác khi chơi sẽ càng thúc đẩy trẻ vận dụng nhiều từ ngữ hơn nữa.
Ngoài ra, trò chơi với bài hát cũng rất hữu ích để phát triển năng lực ngôn ngữ và cả khả năng ghi nhớ của trẻ. Bạn có thể hát một câu đầu và khích lệ trẻ hát tiếp với lời khen ngợi của bạn. Chắc chắn trẻ sẽ càng có hứng thú với trò chơi, cũng từ đó trẻ sẽ được tăng cường thêm vốn từ, cách phát âm và trí nhớ tối ưu.
Cho trẻ vừa nói chuyện vừa tương tác với sách và hình ảnh
Đây chính là một trong những cách quan trọng giúp trẻ nhận biết từ ngữ, ý nghĩa và mối quan hệ giữa từ với vật thể cụ thể. Bạn có thể vừa chỉ vào hình ảnh của một vật đơn nhất vừa phát âm từ ngữ và khích lệ trẻ đọc theo.
Khi trẻ đã có tiến bộ nhất định, bạn có thể tăng cường độ khó lên bằng cách chỉ vào hình ảnh với nhiều chi tiết, chẳng hạn như hình ảnh có chó, mèo, gà trong một khu vườn và bạn hỏi trẻ “Con chó ở đâu?”, lúc này trẻ sẽ quan sát, vận dụng hiểu biết để chỉ ra hình ảnh chú chó.
Lưu ý quan trọng trong quá trình giúp trẻ rèn luyện năng lực ngôn ngữ là việc bố mẹ cần hết sức nhẫn nại, không nên nóng vội.
Mong đợi quá mức ở trẻ sẽ dễ khiến bạn mất bình tĩnh, thậm chí gây áp lực cho trẻ, khiến việc học ngôn ngữ của trẻ gặp khó khăn hơn và hiệu quả cũng thấp hơn.