Khi còn trong bụng mẹ, các bé đã có khả năng nghe và nhận biết âm thanh. Việc càng tiếp xúc nhiều với ngôn ngữ sẽ càng giúp trẻ biết nói sớm hơn. Ở thời điểm 9 - 11 tháng tuổi, trẻ đã có thể giao tiếp với cha mẹ bằng những từ bập bẹ. Để tăng khả năng tập nói và hình thành kho từ ngữ cho con, bạn chỉ cần áp dụng những phương pháp vô cùng đơn giản dưới đây.
Trò chuyện với con
Mặc dù lúc này bé chỉ có thể nói được những từ bập bẹ ê-a nhưng việc lắng nghe những âm thanh xung quanh sẽ giúp bé hình thành được khả năng ngôn ngữ, tăng vốn từ vựng hàng ngày, kích thích bé sớm biết nói.
Vì vậy, việc những người trong gia đình nên thường xuyên trò chuyện với con. Trước hết, mẹ chỉ sử dụng những câu đơn giản, để giúp bé dễ dàng ghi nhớ và phát triển khả năng ngôn từ. Mặc dù lúc này bé chưa thể nói được gì mà chỉ bập bẹ những tiếng “ê a”, nhưng việc lắng nghe ngôn ngữ, âm thanh xung quanh sẽ giúp bé tăng vốn từ vựng hàng ngày, đồng thời kích thích bé sớm biết nói. Bên cạnh đó, còn giúp tình cảm giữa bố mẹ và bé gắn kết hơn.
Nếu trẻ nhỏ khóc, mẹ hãy nhớ hồi đáp lại ngôn ngữ riêng của con. Khóc thật ra là một phương thức để trẻ bộc lộ nhu cầu của cơ thể như đói, đau bệnh,…Việc bố mẹ trả lời lại tiếng khóc của con, đó cũng là cách chia sẻ thông tin giữa bố mẹ và con trẻ.
Không lặp lại lỗi sai phát âm của con
Khi bắt đầu tập nói, trẻ sẽ không thể tránh khỏi việc phát âm ngọng, rất đáng yêu. Tuy nhiên, cha mẹ không nên sử dụng những từ trẻ đã nói sai để giao tiếp với con. Nếu việc lặp lại kéo dài và thường xuyên, sẽ vô tình làm trẻ không nhận ra được lỗi sai của mình và trở thành thói quen, lúc này việc sửa lỗi cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.
Kể chuyện cho bé nghe
Việc được nghe những câu chuyện cổ tích, ngụ ngôn,… từ cha mẹ sẽ giúp trẻ tăng khả năng lĩnh hội từ ngữ. Cha mẹ không nên nghĩ rằng trẻ vẫn còn quá nhỏ để có thể lắng nghe và hiểu hết được các câu chuyện trong sách vở. Từ lúc trong bụng mẹ, khả năng năng nghe của trẻ đã được hình thành nhờ phương pháp thai giáo bằng thính giác. Việc được nghe những câu chuyện phù hợp với lứa tuổi sẽ không những giúp con biết nói sớm hơn mà còn hình thành thói quen thích đọc của bé sau này.
Cho trẻ tiếp xúc với âm nhạc
Khi trẻ được tiếp xúc với âm nhạc, thính giác và khả năng ngôn từ của trẻ sẽ được trau dồi. Mẹ có thể gợi ý cho trẻ nghe những bản nhạc thiếu nhi, nhạc nhẹ, nhạc không lời,…Sau này khi con biết nói, mẹ sẽ bất ngờ vì con có thể ê a những bản nhạc đã được mẹ cho nghe..
Mẹ cũng có thể tự mình hát cho bé nghe những bài hát thiếu nhi có lời ngắn, đơn giản, hoặc đọc các bài thơ, ca dao, tục ngữ,..Khi hát, mẹ hãy làm những động tác múa máy tay chân để bé cảm thấy thích thú. Mỗi bài hát, mẹ hát đi hát lại nhiều lần. Quá trình lặp đi lặp lại các từ trong bài hát sẽ là bước đầu tiên để bé ghi nhớ những lời mà bé yêu thích, từ đó, sẽ rất nhanh hát theo.
Chơi đùa cùng bé thường xuyên
Khi bé đang chơi với những món đồ chơi quen thuộc, cha mẹ hãy chủ động tham gia cùng với con. Trong quá trình chơi, bạn nên kết hợp trò chuyện cùng con. Trẻ em có khả năng bắt chước và học hỏi rất nhanh, khi chơi với con, bạn nên cố gắng tạo nhiều sự tương tác với trẻ càng tốt. Đơn giản chỉ là chỉ vào các đồ vật, gọi tên và tập cho trẻ nói theo.
Cho bé tiếp xúc với thế giới bên ngoài
Những chuyến đi chơi ngắn đến công viên, sở thú hay chỉ đơn giản là dạo quanh khu phố cũng sẽ mở ra cánh cửa kiến thức mới cho trẻ. Khi trẻ được đi ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người với nhiều ngôn từ khác nhau sẽ giúp ích cho việc tập nói của trẻ. Bên cạnh đó, thông qua những hoạt động bên ngoài bổ ích sẽ giúp trẻ gọi tên được nhiều loại động, thực vật khác nhau, từ đó có được vốn từ sinh động cho cuộc sống.
Khuyến khích và kiên nhẫn khi tập nói cho bé
Có rất nhiều bé khi đã bắt đầu biết nói thì luôn miệng “líu lo” cả ngày, nhiều mẹ sẽ bật cười trước những từ phát âm sai của con. Nhưng điều đó sẽ cản trở bé học nói. Khi bé nói một điều gì đó, hãy tỏ ra hào hứng và động viên khi con nói được từ mới. Điều này sẽ kích thích tâm lý của bé, khiến bé tiếp tục cố gắng. Đồng thời chú ý luôn sửa lỗi phát âm cho con.
Khi nào trẻ chậm nói là hiện tượng bất thường?
Trẻ chậm nói thường do hai nguyên nhân: nguyên nhân thực thể và nguyên nhân tâm lý. Nguyên nhân thực thể là do trẻ có những vấn đề liên quan đến cơ quan chỉ huy (bại não, di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não, não bị dị tật bẩm sinh...), trẻ có khuyếm khuyết ở miệng (ngắn lưỡi, hở hàm ếch), bé mắc các vấn đề về thính lực hoặc gặp các biến cố tâm lý.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1 ( TP.HCM), mỗi trẻ sẽ có những sự phát triển khác nhau trong từng giai đoạn, phụ thuộc vào hoàn cảnh sống, môi trường xung quanh, chế độ dinh dưỡng. ..Do vậy, các bậc phụ huynh không nên nhìn vào trẻ khác để làm thước đo tiêu chuẩn cho con mình.
Tuy nhiên, hầu hết các bé trước 24 tháng tuổi đều nên nói được ít nhất 25 từ cơ bản. Nếu không, trẻ có thể coi là chậm nói. Lúc này, cha mẹ nên đưa con đến các bệnh viện nhi thăm khám và xác định nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng chậm nói ở trẻ, để có biện pháp can thiệp kịp thời.