Chậm phát triển trí tuệ được chia ra làm 4 cấp: nhẹ, trung bình, nặng và rất nặng. Ở mức nhẹ, trẻ có thể học được tiểu học, học một số giao tiếp cơ bản, đọc viết chậm, không tự mình ra quyết định được.
Ở mức trung bình, trẻ có thể học đọc, viết, làm tính đơn giản, tự lo được sinh hoạt cá nhân, có thể học và làm các công việc giản đơn. Mức độ nặng, trẻ chỉ có thể học một số kỹ năng sinh hoạt cá nhân cơ bản và giao tiếp cơ bản. Chỉ khoảng 1-2% trẻ chậm phát tiển trí tuệ rơi vào mức độ 4 (rất nặng).
Mức này, trẻ có thêm những tổn thương thần kinh, cần sự theo dõi, giúp đỡ thường xuyên. Nguyên nhân dẫn đến trẻ chậm phát triển trí tuệ gồm: di truyền; bố mẹ có sử dụng ma túy, rượu, thuốc lá trong quá trình thai kỳ; trong quá trình mang thai mẹ bị mắc một số bệnh; yếu tố môi trường; hoặc trẻ bị chấn thương não, mắc một số bệnh khi còn nhỏ như nhiễm trùng não, ho gà, thủy đậu...
Trẻ chậm phát triển trí tuệ có thể nhận biết qua những biểu hiện: không đạt được các cột mốc phát triển bình thường; biết ngồi, bò, đi khá muộn; không nói rõ ràng; không thể ghi nhớ; không thể hiểu những điều đơn giản; không thể suy nghĩ logic; cư xử như trẻ nhỏ hơn so với độ tuổi; không thể tự quyết định; khó khăn trong việc học các kỹ năng cơ bản như mặc quần áo, đi ngoài hoặc ăn.
Trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng có thể có một số hành vi sau: phụ thuộc; hiếu chiến; rối loạn tâm thần; tự gây thương tích cho bản thân; khó khăn trong việc hành xử xã hội; không kiểm soát được bản thân; gặp khó khăn trong việc chú ý, tập trung...
Như thế, cháu bé 3 tuổi đã có thể xác định phần nào chậm phát triển trí tuệ thông qua biểu hiện phát triển của bé. Nếu nghi ngờ, gia đình cần cho bé đi khám để xác định và có chương trình giáo dục phù hợp.