Chỉ cần nhắc đến “co giật”, hầu hết các bậc cha mẹ đều hoang mang, sợ hãi và thường không đủ bình tĩnh để ứng phó khi tình huống đó xảy ra với con mình. Người này bảo phải vắt chanh vào miệng bé, người khác nói phải cắt, lễ… Vậy làm thế nào là đúng?
Co giật ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân: Sốt co giật, động kinh, xuất huyết não, viêm màng não… và luôn luôn là tình huống cấp cứu.
Bài viết sẽ hướng dẫn bạn những bước xử lý thích hợp tại nhà khi bé co giật. Sau khi xử lý ban đầu xong, bạn phải đưa bé đến bệnh viện ngay để có chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Cần làm gì khi bé bị co giật?
Tuyệt đại đa số những cơn co giật sẽ tự ngừng sau vài phút. Do đó, bạn không cần phải làm gì để chấm dứt cơn co giật. Việc đáng lo ngại nhất khi co giật là bé có thể hít sặc những thứ đang có trong miệng (sữa, thức ăn, đồ chơi,…) gây ngạt.
Cha mẹ hãy thật bình tĩnh để có thể giúp bé theo các bước sau:
- Gọi người giúp đỡ.
- Đặt bé nằm xuống nơi rộng rãi và an toàn, nghiêng sang một bên.
- Không được cho bất kỳ vật gì vào miệng bé (Ví dụ vắt chanh hay bỏ quả chanh vào miệng bé). Vì những vật này có thể gây hít sặc hay tắc đường thở của bé.
- Không đè bé hoặc cố dùng sức kềm cơn giật.
Trừ khi cha mẹ đã biết là bé bị động kinh, ngay sau khi sơ cứu như trên phải đưa bé đến bệnh viện. Các bác sĩ sẽ kiểm tra và làm xét nghiệm để có chẩn đoán chính xác về bệnh trạng của bé nhé.
Xử lý này có thể áp dụng cho cả người lớn. Cha mẹ hãy tỉnh táo để giúp xử lý thật tốt tình huống này.
Tiến sĩ Bác sĩ Phạm Diệp Thu ỳ Dương
Giảng viên Bộ môn Nhi Đại học y dược TP.HCM