Quả tò ho, còn được biết đến với tên thảo quả, là một đặc sản nổi tiếng ở Sa Pa. Nhờ có mùi thơm đặc biệt, những năm gần đây, quả tò ho có mặt trong nhiều gian bếp, được đầu bếp các nhà hàng ưa chuộng, thành nguyên liệu tạo mùi cho món ăn. Ở Sa Pa, từ lâu người dân đã sử dụng thứ quả dại này trong món chè kho, chè lam.
Cây tò ho chỉ mọc ở những nơi có độ cao trên 1.000m, khí hậu mát lạnh. Ở Việt Nam, chúng được tìm thấy ở vùng núi các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, đặc biệt nhiều ở Sa Pa.
Quả tò ho mọc thành từng chùm ở gốc, màu đỏ mận đẹp mắt
Mùa thu hoạch quả tò ho vào khoảng tháng 11, tháng 12 hàng năm. Người dân Sa Pa ví tò ho như một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho nơi đây.
Một điều đặc biệt của cây tò ho là cả hoa và quả đều mọc từ gốc chứ không phải mọc ở trên thân, hay trên cành như các loại cây cho thu hoạch quả khác. Lúc chín, từng chùm tò ho đỏ như mận ở gốc trông rất đẹp mắt.
Sau khi thu hái về, người dân vùng cao đem về phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, người ta sẽ đập bỏ phần vỏ để lấy hạt bên trong, cũng có nơi đem nướng rồi mới đập bỏ lấy phần hạt. Trong hạt tò ho có tinh dầu mầu vàng nhạt, mùi thơm, vị cay nóng rất dễ chịu. Tinh dầu này chiếm tỉ lệ 1- 1,5% khối lượng của hạt.
Hạt tò ho có mùi thơm đặc trưng, được dùng làm gia vị tạo mùi thơm cho các món ăn, đặc biệt là món phở
Theo Đông y, tò ho có tính ấm, khi tán thành bột để uống sẽ có tác dụng trừ đờm, làm ấm bụng, giúp kích thích ăn ngon miệng. Loại hạt này là một đặc sản còn có thể chữa nôn mửa, ngực bụng trướng đau và hỗ trợ chữa ho…
Anh A Su (ở thôn Pờ Hồ, xã Trung Lèng Hồ, huyện Bát Xát, Lào Cai) cho biết: "Trước đây tò ho có đầy nhưng không mang lại giá trị kinh tế, chỉ có người dân địa phương hái về để phơi khô sử dụng quanh năm. Những quả không được thu hái sẽ rụng đầy rừng rồi mọc thành cây mới.
Những năm gần đây, thứ hạt này được khách du lịch và thương lái thu mua tận nơi, thậm chí cả thương lái Trung Quốc cũng tìm mua. Vì thế nhiều gia đình ở đây đã mở rộng mô hình trồng tò ho ở trong rừng, mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng".
Anh Su nói thêm, trái tò ho rất nặng nên sau khi thu hái xong, người dân sẽ sấy khô ngay ở rừng rồi mới vận chuyển về nhà. Cứ 10 kg tò ho tươi sau khi sấy được 2 kg quả khô. Quá trình sấy mất khoảng 3 ngày, 3 đêm liên tục.
Quả tò ho mang lại thu nhập cho người dân vùng cao
Ở các cửa hàng bán đồ khô, hay trên các trang thương mại điện tử, tò ho khô được bán với giá khoảng 180.000-200.000 đồng/kg.
"Hạt tò ho có mùi rất thơm, được dùng nhiều nhất để làm phụ gia tạo mùi thơm trong món phở. Có thể nói là nếu thiếu đi vị này thì coi như món phở bò đã đánh mất đi một phần sự hấp dẫn của mình. Ngoài ra, chúng còn được dùng để tẩm ướp các món nướng, kho, hay cho vào lẩu.
Những năm gần đây, quả tò ho được nhiều đầu bếp nhà hàng ưa chuộng. Tôi bán tò ho quanh năm cho cả khách sỉ và lẻ đi khắp các tỉnh thành. Đợt cao điểm, có ngày tôi bán được cả tạ hạt", anh Chính (người chuyên bán sỉ lẻ đặc sản Tây Bắc) cho hay.