GS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Y học dự phòng và Y tế công cộng, cho biết, hiện nay trên mạng xã hội có nhiều biện pháp giảm ăn, tuy nhiên chúng ta cần biết khi cơ thể bị bỏ đói thì không những bản thân cảm thấy mệt mỏi mà chuyển hóa trong cơ thể cũng mệt.
Việc kiêng hoàn toàn carbohydrate, không ăn tinh bột là một cách ăn kiêng không khoa học. Lý do, hệ thần kinh, não bộ rất cần carbohydrate thì mới hoạt động tốt. Vì thế, lúc bạn đang đói, mệt chỉ cần uống một cốc nước đường tự nhiên thấy tỉnh táo.
"Việc chuyển hóa mỡ, đạm lâu hơn chuyển hóa đường nên khi cơ thể mệt mỏi glucose sẽ giúp tế bào thần kinh hoạt động tốt hơn", GS Hương phân tích.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia chúng ta cũng không nên kiêng hoàn toàn dầu mỡ.
Lý do đó là môi trường hòa tan các vitamin tan trong dầu. Vì thế vô hình chung khi chúng ta kiêng dầu mỡ thì các vitamin tan trong dầu không chuyển hóa, không hấp thu được. Không những thế các axit béo cần thiết, các cholesterol cũng rất cần cho các hormon, enzym trong cơ thể cũng bị thiếu.
"Tất cả đều ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa, các cơ quan, bộ phận, các phản ứng hóa học trong cơ thể. Tương tự, cũng không nên nhịn ăn hoàn toàn vì có thể sẽ xảy ra những tác dụng phụ mà chúng ta không biết được như hạ đường huyết đột ngột, tụt huyết áp", GS Hương nói.
Vì vậy, cách khoa học nhất để giảm ăn là giảm một cách cân đối, giảm đồng thời cả tinh bột, mỡ, chất đạm. Chúng ta nên cắt một cách đồng đều chứ không thiên về chất nào nhiều quá. Cắt giảm mỡ, tinh bột để cắt giảm năng lượng, giảm tích mỡ.
Trong đó lưu ý không cắt giảm đạm quá mức vì nó giúp xây dựng khối cơ. Theo đó, lượng đạm tối thiểu trong ngày phải đạt 1,2g trên mỗi kg cân nặng (không đồng nghĩa đạm với thịt, ví dụ 100g thịt có 20g đạm).
Cụ thể, chúng ta hãy giảm ăn dần dần, giảm từ từ, mỗi ngày giảm một chút. Chúng ta tính toán tổng năng lượng hằng ngày, ví dụ đang ăn 2.500 calo, thì ngày mai ăn 2.400, ngày kia ăn 2.300, ngày kế ăn 2.200 calo. Cơ thể sẽ thích nghi với việc giảm này, khi đó bộ máy tiêu hóa, dạ dày cũng không "nổi loạn".
"Chúng ta đang ăn no mà ngay ngày mai cắt phụt một phát thì giống như bị sốc, thay vào đó cần chiến lược để giảm dần. Với người quá béo một tháng không nên giảm quá 5kg, còn với những ai có BMI vượt qua 30 một chút thì hãy giảm cân dần dần", GS Hương cho biết.
Để tránh ăn vô tội vạ, ăn quá nhiều, theo GS Hương, cách khoa học nhất vẫn là quy ra calo, ví dụ ăn 1 bát cơm là bạn nạp khoảng 260 calo, 1 quả chuối tiêu là 100 calo… Qua đó, mỗi người sẽ suy ra sáng ăn thế này là được bao nhiêu calo, trưa ăn bao nhiêu, tối ăn bao nhiêu, cần tập luyện bao lâu...
"Để tiêu hao hết 1 bát phở 300 calo chúng ta cần luyện tập trong 2 giờ", GS Hương nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho biết thêm, nếu chúng ta tập luyện nhiều, kiểm soát chế độ ăn nhưng không giảm được cân, vẫn béo phì, vẫn tăng cân nhanh thì chúng ta cần nghĩ đến một số bệnh nội tiết như rối loạn hormone tuyến giáp.
Tình trạng này làm chuyển hóa cơ bản giảm đi, dẫn đến bị thừa cân béo phì. Bạn nên đi khám nội khoa hoặc chuyên ngành nội tiết.