Sức khỏe răng miệng rất dễ bị bỏ qua trừ khi bị đau thì chúng ta mới quan tâm đến nó. Trong trường hợp bệnh nha chu mãn tính, cần phải cẩn thận vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe cơ thể. Trong trường hợp triệu chứng trở nên tồi tệ hơn và phải nhổ hoặc trồng răng, các chất dinh dưỡng không được cung cấp đầy đủ sẽ khiến cơ thể bị bệnh. Nếu nghĩ đến khi lớn tuổi mã vẫn khỏe mạnh thì muộn nhất là ở độ tuổi 60 cần phải được kiểm tra nha khoa tích cực hơn.
Bệnh nha chu là gì?
Bệnh nha chu (Periodontitis) là một bệnh nhiễm trùng nướu nghiêm trọng do vi khuẩn trong miệng gây ra tổn thương mô mềm và phá hủy xương xung quanh răng. Nguyên nhân chính là do vi khuẩn gây ra. Mảng bám răng được hình thành do sự kết tụ của các chất và vi khuẩn có nguồn gốc từ nước bọt trong miệng. Khi mảng bám bị vôi hóa sẽ trở thành cao răng bám chặt vào răng, vi khuẩn bám trên bề mặt răng sẽ tiến dần về phía chân răng và phá hủy các mô. Nếu thể trạng của cơ thể suy giảm, nướu có thể bị sưng và có thể xuất hiện mủ. Khi bệnh nha chu nghiêm trọng hơn xương răng sẽ bị phá hủy làm cho răng bị gãy hoặc phải nhổ răng.
Ảnh hưởng của bệnh nha chu không chỉ gói gọn trong khoang miệng. Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nha chu có thể ảnh hưởng xấu đến cơ thể gây ra các bệnh như: tiểu đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim và bị chứng mất trí nhớ. Cũng giống như các bệnh mãn tính khác, các yếu tố như hút thuốc, căng thẳng và lượng đường trong máu ảnh hưởng xấu đến bệnh nha chu và vi khuẩn gây viêm do bệnh nha chu có thể di chuyển qua các mạch máu và gây bệnh cho các cơ quan khác. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí "Hiệp hội nha khoa lâm sàng quốc tế", bệnh nhân Covid 19 bị bệnh nha chu có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn 3,67 lần và tỷ lệ tử vong cao hơn 8,8 lần so với những người không bị bệnh nha chu. Điều này cho thấy bệnh nha chu có liên quan mật thiết đến sức khỏe cơ thể.
Giáo sư Kang Kyung Ri của Khoa răng miệng Bệnh viện Đại học Kyung Hee ở Gangdong cho biết: "Nếu không có một chiếc răng nào thì chức năng nhai sẽ giảm, số lượng răng bị mất càng nhiều thì không chỉ mất niềm vui ăn uống mà còn không cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể". Có một giải pháp gọi là cấy răng nhưng tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức và nếu không được chăm sóc kỹ thì phải nhổ. Nếu không muốn răng bị mất nhiều hơn cần thay thế bằng cấy răng kịp thời để phục hồi chức năng nhai để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe cơ thể đồng thời cần phải kiểm tra sức khỏe định kỳ.