Vốn là người khỏe mạnh, hoạt bát nhưng gần đây, chị Đỗ Thị Hoa (43 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) bỗng hay mệt mỏi, ăn uống kém, thường xuyên chướng bụng khó tiêu. Chị đến Viện Dinh dưỡng Quốc gia khám và kết quả cho thấy mức đường huyết của chị khá cao. Việc đo chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) cũng chỉ ra, chị Hoa có hiện tượng thừa cân, nhưng chưa đến mức béo phì. Bác sĩ kết luận chị Hoa bị thừa cân, tiền đái tháo đường và tư vấn chế độ ăn uống khoa học, phù hợp với cơ thể.
Rời viện về nhà, chị Hoa lo nghĩ nhiều về tình trạng sức khỏe của mình nên đã lên mạng tìm kiếm thông tin và thấy hàng loạt các bài quảng cáo về cách giảm cân, giảm đường huyết…
Việc dùng nước ép trái cây để giảm cân, hạ đường huyết khiến người phụ nữ phải ân hận. Ảnh minh họa.
“Chỉ vì họ quảng cáo nghe lọt tai, công thức áp dụng dễ dàng quá mà tôi tin theo, quên luôn chế độ ăn bác sĩ tư vấn trước đó”, chị Hoa chia sẻ. Người phụ nữ này đã mua gói nước ép để detox, và chỉ trong một tuần đã giảm được gần 2kg, cơ thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Sau đó, chị Hoa tiếp tục học theo các công thức trên mạng, tự giảm cân, giảm đường huyết bằng cách không ăn tinh bột, chỉ uống nước ép từ các loại quả như dưa hấu, dứa, cà rốt. Chị uống cả lít nước ép mỗi ngày thay vì ăn cơm 3 bữa như người bình thường. Theo chị việc ép trái cây lấy nước uống sẽ hưởng trọn mọi dinh dưỡng trong đó.
Một tháng sau đi tái khám theo hẹn, chị Hoa hồ hởi khoe bác sĩ rằng đã giảm được cân, sức khỏe ổn định. Thế nhưng, khi xét nghiệm chỉ số đường huyết của chị lại tăng cao, gan nhiễm mỡ độ 1. Không tin kết quả này, chị Hoa đi kiểm tra lại vẫn cho kết quả tương tự. Chỉ khi nghe bác sĩ lý giải, người phụ nữ này mới nhận do mình dại dột không nghe theo lời khuyên của chuyên gia ngay từ đầu.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội) cho biết, đây là trường hợp điển hình cho việc bỏ qua lời khuyên của bác sĩ thật, nghe theo “bác sĩ mạng”, để rồi vừa mất tiền, vừa thêm bệnh.
Ăn trực tiếp và ăn đa dạng các loại trái cây cùng rau xanh sẽ có lợi cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Hưng, rất nhiều người đang thực hiện giảm cân bằng cách uống nước ép thay nước lọc, thậm chí thay cơm giống như trường hợp bệnh nhân trên. “Đây là phương pháp giảm cân sai lầm”, bác sĩ Hưng khẳng định và cho biết thêm, trái cây dù tốt nhưng cần phải sử dụng đúng và đủ.
Cụ thể, theo khuyến nghị, trái cây nên ăn trực tiếp tốt hơn là ép lấy nước uống. Hơn nữa, mỗi ngày chỉ nên ăn 100-200g trái cây và ăn đa dạng các loại khác nhau. Còn lại ăn thêm các loại rau để tăng cường chất xơ, vitamin và khoáng chất.
“Trái cây khi ép ra sẽ có hàm lượng đường nhất định, vì thế uống nước ép sẽ giúp bổ sung thể lực nhanh hơn ăn trực tiếp. Đó là lý do nước ép phù hợp dành cho người đang mệt mỏi, sau khi vận động”, bác sĩ Hưng cho hay. Ngoài ra, bác sĩ Hưng cũng khuyên mọi người không nên tích trữ trái cây trong tủ lạnh để dùng dần, không hâm nóng nước trái cây, không cho đường thêm vào nước ép… Đây đều là những việc làm không tốt cho sức khỏe.
Cuối cùng, bác sĩ Hưng khuyên với người bị đái tháo đường hay người bình thường đều dùng được trái cây, tuy nhiên cần chọn loại phù hợp. Ví dụ như người bị đái tháo đường nên ăn bưởi, ổi, quả anh đào, cam..., những quả này không làm tăng đường huyết nhanh. Tuy nhiên, nên ăn cả múi, cả miếng hơn là ép lấy nước để sử dụng hàng ngày và nên ăn vừa đủ trọng lượng như đã khuyến cáo.