Tới hôm nay, khoa Nhiễm – thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đang chữa trị cho 180 trẻ mắc tay chân miệng. Trong 2 trẻ độ 4, độ 3 có 17 trẻ, độ 2B có 15 trẻ. 28 trẻ đang nằm trong phòng cấp cứu của khoa. Trung bình 1 giờ có thêm 7 ca mới nhập viện.
Với những ca bệnh mới, y bác sĩ phải chăm sóc, khám kỹ để phát hiện sớm nếu có dấu hiệu chuyển nặng, sớm xử trí kịp thời nhất.
Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, mấy tuần qua, nhân viên y tế khoa, từ bác sĩ, y tá tới điều dưỡng đều tập trung cao độ cứu chữa các trẻ mắc bệnh tây chân miệng.
Khoa có 2 bác sĩ đang đi học cũng được vận động về, hay cả những bác sĩ đang học cao học, chuyên khoa 1, bác sĩ nội trú…ở tại bệnh viện Nhi đồng 1 cũng được vận động phụ giúp chống dịch tay chân miệng.
“Khoa phải mượn khu vực căng tin của bệnh viện rồi sửa chữa thành 3 phòng bệnh cho trẻ nằm. 3 phòng này có thể chứa được 100 trẻ. Trường hợp dịch tay chân miệng tiếp tục tăng cao, bệnh viện vẫn có thể đáp ứng được” – BS Quy cho biết.
Theo số liệu thống kê từ trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, tuần qua (từ 21-19/9), TP có 347 ca nhập viện vì bệnh tay chân miệng, tăng 47% so với trung bình của 4 tuần trước. Tính tới thời điểm này, TP có 3568 ca nhập viện vì căn bệnh truyền nhiễm này.
Bộ y tế ghi nhận đến 1/10, cả nước đã có hơn 53.000 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phổ, trong đó có 25.845 trường hợp nhập viện và hiện đã có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam.
Các chuyên gia y tế khẳng định, nguyên nhân khiến số trẻ mắc tay chân miệng tăng cao, nhiều ca nặng là do sự trở lại của chủng virus Enterovirus 71 (EV71) với thứ nhóm gien C4. Đây là chủng virus đã gây dịch tay chân miệng lớn trên cả nước những năm 2011, khiến 70.000 người mắc và 145 người tử vong.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc tay chân miệng
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – thần kinh bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, các bậc phụ huynh phải nhớ rằng đây đang là cao điểm của dịch tay chân miệng, nên phải chuẩn bị tâm thế trẻ có thể mắc bệnh, dù có đi học ở nhà trẻ hay không. Đặc biệt chú ý với trẻ dưới 3 tuổi.
Nếu bé sốt nhẹ 1-2 ngày, sau đó nổi bóng nước, thì phải để ý. Còn nếu trước đó trẻ không sốt, nhưng lại bị chảy nước miếng, bỏ ăn, thì phải quan sát kỹ xem trẻ có lở miệng, có nổi nổi đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân hay không.
Hoặc khi thấy trẻ sốt cao, khó hạ và cứ hết thuốc hạ sốt lại tiếp tục bị sốt, hay như trẻ sốt 2 ngày, có biểu hiện ói, thì chắc chắn phải đưa trẻ đi khám vì khi đó có thể trẻ đã mắc bệnh.
Ngoài ra, phụ huynh cũng phải nhớ, khi trẻ thiu thiu ngủ mà bị giật mình chới với, đặc biệt trong 30 phút mà giật mình 2 lần trở lên, thì chắc chắn đã bị biến chứng tay chân miệng.
Một số biểu hiện khác của trẻ mắc tay chân miệng, là trẻ yếu tay yếu chân, đi đứng loạng choạng, nổi mụn đỏ, thở khó, thở mệt, mạch nhanh, huyết áp cao...thì phải đưa tới BV thăm khám.
“Nếu phụ huynh nhận biết được các dấu hiệu trẻ mắc tay chân miệng sớm, và đưa tới cơ sở y tế điều trị kịp thời thì trẻ sẽ tránh được các biến chứng nặng, dễ khỏi bệnh hơn” – BS Trương Hữu Khanh khẳng định.