Bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, bệnh tay chân miệng là bệnh do virus gây ra và lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi và đa phần sẽ tự hết sau 7 - 10 ngày được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy nhiên, hiện nay bệnh đang có xu hướng gia tăng nhanh hơn mọi năm và số ca trẻ mắc bệnh nặng cũng tăng lên.
Theo số liệu giám sát mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng Thành Phố Hồ Chí Minh, trong tuần 38 đã ghi nhận 289 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nhập viện, tăng 47% so với trung bình 4 tuần trước (194 ca) và tăng 130% so với cùng kỳ 2017 (127 ca).
Cũng theo ghi nhận của Viện Pasteur (TP.HCM), trong mùa dịch bệnh tay chân miệng năm nay đã bắt đầu nhận thấy sự xuất hiện trở lại của chủng virus Enterovirus 71 (EV71), đây cũng là chủng virus đã gây dịch tay chân miệng lớn trên cả nước vào năm 2011. Chủng virus EV71 khi tấn công sẽ gây ra các tổn thương đến hệ thần kinh, tim mạch, hệ hô hấp,... thậm chí tử vong.
Biểu hiện bệnh tay chân miệng
"Trẻ khi mắc bệnh tay chân miệng sẽ có những biểu hiện như khóc, chán ăn, đau miệng, chảy nước miếng, sốt 1 - 2 ngày và sau khi hết sốt sẽ xuất hiện các mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, lở miệng", BS Khanh cho biết.
Khi bệnh diễn tiến nặng hơn, trẻ sẽ bị sốt cao liên tục trên 39 độ, uống thuốc hạ sốt vẫn khó hạ, nôn ói. Nếu cha mẹ quan sát thấy trẻ ngủ không sâu, giật mình liên tục khi thiu thiu ngủ, thở mệt, đi không vững, chân tay yếu, người run, mạch sờ không thấy hoặc đập quá nhanh,... là lúc bệnh đã trở nặng, cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để có biện pháp can thiệp kịp thời.
Phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ đúng cách
BS Trương Hữu Khanh chia sẻ, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính và hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh. Việc phòng bệnh cho trẻ chủ yếu thông qua việc chủ động giữ gìn vệ sinh hàng ngày cho con, người thân trong gia đình và môi trường sống, học tập.
Các bậc phụ huynh nên chú trọng nguyên tắc 4 sạch : Bàn tay sạch, ăn sạch, ở sạch, đồ chơi sạch. Thường xuyên vệ sinh bàn tay cho trẻ, sàn nhà, đồ chơi của con,... bằng nước sạch, xà phòng hoặc nước khử khuẩn như Javel, Cloramine B.
Bổ sung cho trẻ chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin C để tăng cường khả năng kháng bệnh của hệ miễn dịch.
Thường xuyên theo dõi các thông báo của cơ quan Y tế địa phương và nếu thấy trẻ có biểu hiện bệnh tay chân miệng cần thông báo cho cô giáo của trẻ để phòng bệnh kịp thời cho các bạn cùng lớp.
Trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng cần được nghỉ học ít nhất 10 ngày và tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ đến khi lành hẳn các vết loét miệng và vết mụn nước ở trên người.
Đa số 90% ca bệnh tay chân miệng thể nhẹ đều có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cần theo dõi sát tình trạng của trẻ để phát hiện kịp thời các dấu hiệu khi bệnh trở nặng.