Theo thông tin từ báo Tri thức và Cuộc sống, bà Nguyễn Thị Út Em (quê Long An) hay còn được người dân xung quanh yêu thương gọi là “ngoại Út", bà đang nuôi "những người bạn bốn chân" bị chủ nhân bỏ rơi ở các khu vực đất trống, vắng người. Năm ngoái, trong lúc đi dạo, bà vô tình phát hiện 2 chú chó bị bỏ trong rơi trong thùng xốp và nhặt về nuôi. Cứ thấy ai bỏ, bà lại đem về nhà, dần dần số lượng đàn chó đã lên đến 10 con.
Mỗi ngày, ngoại Út thức dậy từ sáng, lo cho đàn chó rồi bày biện xe nước ở góc đường Mai Chí Thọ (TP Thủ Đức) để buôn bán cho khách qua đường. Trước đây kinh tế còn khá giả, thu nhập từ quầy nước giải khát cũng đủ để ngoại Út trang trải chi phí. Mấy năm nay việc buôn bán gặp nhiều khó khăn hơn, mỗi ngày ngoại Út chỉ kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng.
Kế bên nơi buôn bán, ngoại Út dựng căn chòi, căng tấm bạt che mưa, che nắng. Tất cả hoạt động ăn uống, sinh hoạt của ngoại gói gọn tại đây. Những chú nhỏ cũng có nhà cho riêng mình, bà dốc tâm huyết xây dựng bằng vật dụng tạm bợ hay nhặt những chiếc lồng cũ để đem về cho “cục cưng".
Tuy gia cảnh khó khăn, phải ngủ ngoài đường có lúc mưa ướt sũng cả gối, chăn mền nhưng ngoại chưa bao giờ than phiền vì cuộc sống thiếu trước hụt sau của mình. Đối với ngoại, đàn chó như con cháu trong gia đình giúp cuộc sống vui vẻ, bớt cô đơn ở tuổi già.
Ở tuổi U60, xương khớp của ngoại Út đã ít nhiều bị ảnh hưởng khi vừa phải quán xuyến việc buôn bán, vừa phải tất bật lo ăn uống cho đàn chó nhỏ. Nhìn những "đứa cháu" quấn quýt bên cạnh, ngoại Út cười hạnh phúc: "Tôi chăm lo cho chúng nó chẳng thiếu thứ gì. Từ chỗ ngủ đến bữa ăn tôi đều cố gắng làm mọi thứ tốt nhất. Bữa nào buôn bán khá khẩm, tôi mua hột vịt lộn, thịt heo cắt vụn ở khu chợ gần về chế biến cho tụi nó tẩm bổ. Tôi ăn gì, nó ăn đó, có cơm thì cùng nhau ăn, có trứng thì san sẻ cho nhau. Nhìn vậy chứ tụi nó ngoan lắm, biết nghe lời nữa...".
Những ngày mưa gió, việc buôn bán ế ẩm nhưng chưa bao giờ ngoại Út "bỏ đói" những "đứa cháu" của mình, ngoại vẫn cố gắng lấy tiền tiết kiệm để mua đồ ăn ngon cho đàn chó.
Ngoại Út chia sẻ vẫn có thể thuê nhà trọ nhưng việc nuôi chó trong phòng sẽ gây ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh. Vì thế, ngoại chấp nhận ở ngoài đường để thoải mái sinh hoạt.
Ngoài việc chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, đôi khi ngoại Út phải trở thành bác sĩ thú y bất đắc dĩ. Những căn bệnh vặt của đàn chó, bà hỏi thăm người xung quanh để tìm hiểu và tự mua thuốc trị bệnh. Nếu sau 3 ngày không khỏi, bà chắt chiu từng đồng, đưa chú chó bệnh đến gặp bác sĩ thú y.
Thấy hoàn cảnh ngoại Út khó khăn, lại cưu mang nhiều chú chó hoang, một số người đã tìm đến hỗ trợ lương khô, thức ăn cho chó, điều này khiến ngoại Út càng có thêm động lực để cố gắng, chăm lo cho những "đứa cháu" của mình.
Ngoài ra, theo thông tin từ VietNamNet, bà Hồng Tuyết Mai (71 tuổi, quận 1, TP.HCM) đưa cơm, nước đến cho đàn mèo hoang sống lang thang trong khuôn viên bãi xe của sở thú ăn. Bà đã làm công việc không công này gần 10 năm nay.
Bà kể: “Cách đây gần chục năm, trong lúc đang ngồi ăn cơm, tôi thấy một con mèo hoang cứ đứng từ xa nhìn mình. Vẻ mặt, ánh mắt nó lúc đó thấy thương lắm. Tôi biết nó đói. Nó đứng nhìn tôi như thể chờ đợi xem tôi có rơi vãi gì không để đến nhặt nhạnh, kiếm ăn. Thế là tôi chia nửa phần cơm đang ăn cho nó. Từ đó, cứ đến giờ ăn cơm, tôi lại chia cho nó một phần”.
Sau lần ấy, bà Mai quyết định tình nguyện chăm sóc tất cả những con mèo hoang mình bắt gặp trong khuôn viên bãi giữ xe của sở thú. Mỗi ngày, bà bỏ tiền mua gạo, cá, thịt về nấu rồi mang từ nhà đến sở thú, nơi bà ngồi bán đồ chơi trẻ em cho mèo ăn.
Khoảng 10h30, bà bắt đầu chia thức ăn, nước lọc vào từng chén nhựa nhỏ. Sau đó, bà đặt các chén thức ăn này ở những vị trí đàn mèo thường xuyên xuất hiện. 16h, bà lại đến kiểm tra và thay thức ăn, nước uống mới. Lâu dần, đàn mèo trở nên dạn dĩ, thân thiện với bà. Sau này, chỉ cần bà xuất hiện, gọi to, chúng liền chạy ra từ những bụi cây, đợi được cho ăn. Lúc này, bà có thể vuốt ve, chơi đùa với chúng như thú cưng.
Khi đàn mèo trở nên thân thiện, bà đặt tên cho từng con theo màu sắc, dáng đi của chúng. Từ đó, những cái tên Mi, Mướp, Đen, Nâu, Xám… ra đời. Đến giờ cho ăn, bà chỉ cần gọi tên là đàn mèo lại xuất hiện, quấn quýt dưới chân.
Mỗi ngày, đàn mèo hoang ăn khoảng 700g hạt cùng cơm trộn cá. Những con mèo đang mang thai, nuôi con, bà Mai ưu ái cho chúng ăn thêm một cây xúc xích.
Hiện nay, khu vực đàn mèo thường xuyên xuất hiện đang có công trình xây dựng, tu bổ. Sự xuất hiện của thợ xây cùng những tiếng động lớn khiến chúng sợ hãi, không còn dạn dĩ như trước.
Mỗi lần cho ăn, bà phải đi lòng vòng trong bãi xe gọi tên rồi đặt các chén thức ăn ở nơi chúng cảm thấy an toàn. Sau đó, bà rời đi hoặc đứng gần đó quan sát. Đối với những con mèo dạn dĩ, bà ngồi gần vuốt ve và nói chuyện với chúng.
Bà Mai nói chuyện với đàn mèo hệt như đang trò chuyện với những đứa cháu nhỏ của mình. Bà xưng nội, gọi chúng là con. Bà hết khuyên chúng đừng đi lang thang quá xa dễ bị đánh bẫy lại mắng yêu "không chịu ăn uống cẩn thận để bị bệnh, gầy ốm, sữa đâu mà nuôi con".
Không chỉ cho ăn, bà Mai còn kiểm tra tình trạng sức khỏe của từng con mèo. Khi phát hiện mèo có bệnh, bà tự tay ôm chúng đến thú y theo dõi, trị bệnh. Sau gần 10 năm chăm sóc, đến nay bà có thể tự mua thuốc, điều trị một số bệnh thường gặp cho đàn mèo.
Kinh phí chăm sóc đàn mèo hoang bà đều trông chờ vào số tiền bán đồ chơi trẻ em trước cổng Thảo Cầm Viên. Những hôm bán đắt hàng, bà có thêm tiền mua hạt, cá tươi về chế biến thức ăn cho đàn mèo.
Những hôm vắng khách, thiếu tiền mua riêng thịt cá, hạt, bà lại chia phần thức ăn của mình cho chúng. Mỗi lần như thế, bà chỉ ăn cơm trắng chan nước canh. Thịt, cá bà chừa lại cho đàn mèo.
Thói quen này vẫn được bà giữ cho đến bây giờ. Hiện nay, bà được người hảo tâm cho cơm từ thiện. Mỗi lần được tặng cơm, bà cũng chỉ ăn cơm chan canh và nhường phần thịt sườn, cá kho cho mèo hoang.