Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường truyền thông về giáo dục sức khoẻ, nâng cao sức khoẻ nhân dân, thực hiện nguyên tắc 3 sạch: Ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và đồ chơi sạch. Thực hiện chiến dịch rửa tay bằng xà phòng, thực hiện an toàn thực phẩm, vệ sinh ăn uống; cùng với đó, tuyên truyền biện pháp phòng chống dịch tay chân miệng bằng các biện pháp như họp tổ dân phố, tập huấn, phát tờ rơi, loa đài, qua báo chí...
Các địa phương cũng phải phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo để tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng về phòng chống tay chân miệng. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ổ dịch, hạn chế thấp nhất các trường hợp bệnh nhân nặng gây tử vong, tránh lây nhiễm chéo ở các bệnh viện, cơ sở điều trị. Chủ động kinh phí để đảm bảo nhu cầu về thuốc, vật tư, hoá chất, các trang thiết bị phòng chống bệnh.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế các tỉnh, thành phố lập đoàn kiểm tra hỗ trợ các địa phương, giải quyết các vướng mắc trong quá trình phòng chống dịch tay chân miệng.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay cả nước đã có hơn 53,520 trường hợp mắc tại 63 tỉnh thành phố, trong đó có 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố ở khu vực phía Nam. Tuy con số này vẫn thấp hơn 2017 (số mắc trên cả nước giảm 25,3%), tuy nhiên tại một tỉnh thành đã có số ca mắc tích lũy cao và tăng nhanh trong mấy tuần gần đây như: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Đã Nẵng, TP Hà Nội...
Các chuyên gia cũng dự báo, dịch bệnh tay chân miệng trên cả nước có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây do tính chất lây truyền, đặc biệt trong mùa tựu trường, học sinh đang tập trung vào năm học mới và hiện bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh.