Cà phê có tác dụng cung cấp năng lượng, tăng cường sự tỉnh táo. Tuy nhiên, khi cơ thể đang ốm, mệt, uống cà phê có giúp giảm các triệu chứng khó chịu của cơ thể không hay chỉ khiến tình trạng thêm tồi tệ?
Theo các chuyên gia, bạn hoàn toàn có thể uống cà phê khi đang ốm, nhưng chỉ nên uống với mức độ vừa phải. Tiến sĩ Sharon Nachman, Trưởng khoa Bệnh Truyền nhiễm Nhi, Bệnh viện Nhi Stony Brook, nói: “Nếu sử dụng có chừng mực, bạn có thể uống cà phê khi ốm”.
Tiến sĩ Nachman nói việc bỏ thói quen uống cà phê trong những ngày ốm có thể mang lại những phiền toái nhiều hơn là tiếp tục uống. Cơ thể có thể xuất hiện các triệu chứng “thèm” cà phê.
“Nếu bạn có thói quen uống cà phê hàng ngày nhưng bị ốm và đột ngột ‘cai’ cà phê, bạn có thể cảm thấy buồn nôn vì cơ thể chưa quen với điều đó”, tiến sĩ Nachman nói.
Tuy nhiên, cà phê không giúp bạn cảm thấy khỏe hơn. Mặc dù cà phê chứa nhiều chất chống oxy hóa như polyphenol - hợp chất liên quan tới việc giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính - nhưng chúng không có tác dụng chữa khỏi bệnh.
Tiến sĩ Linda Yancey, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Memorial Hermann, cho biết: “Đối với những bệnh cấp tính, việc uống cà phê thực sự không mang lại lợi ích gì ngoài những lợi ích về mặt tâm lý”.
Cà phê có thể gây ra những khó chịu ở dạ dày, nên trong một số trường hợp, tạm dừng uống cà phê thời gian ngắn lại giúp ích rất nhiều.
“Khi bạn ốm và mất nước, bạn sẽ nuốt nhiều chất nhầy xuống bụng. Đây là lý do vì sao bạn có thể bị buồn nôn mỗi khi ốm. Nếu uống cà phê vào lúc này, bạn thậm chí sẽ thấy khó chịu hơn”, tiến sĩ Nachman giải thích.
Một số cách để bạn cảm thấy dễ chịu hơn khi ốm, đồng thời kiểm soát được thói quen uống cà phê như bổ sung đủ nước cho cơ thể. Cà phê có thể khiến cơ thể bị mất nước, nên dù bạn có ốm hay không, hãy luôn uống đủ nước.
Cà phê có thể khiến cơn đau họng tồi tệ hơn. Do đó, hãy bổ sung các loại đồ uống tác dụng giảm đau, ví dụ như trà mật ong. Đồng thời, bạn nên hạn chế tiêu thụ đồ uống có cồn và không hút thuốc lá.