Cả nhà ngộ độc vì bát canh cua
Chị Nguyễn Lê Diệu H. (31 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) vẫn chưa hết bàng hoàng vì ca cấp cứu cả nhà vào ngày mùng 6 Tết vừa qua. Chị H. kể buổi chiều hôm trước chị có mua được ít cua xay về nấu canh với mồng tơi ăn giải nhiệt mấy ngày Tết. Còn dư một bát canh chị đánh liều cho vào tủ lạnh và trưa hôm sau mang ra quay lò vi sóng cả nhà dùng.
Đến 3h chiều, chị thấy bụng đau râm ran cộng với bé gái 15 tuổi đang đi học cô giáo cũng gọi điện báo bé bị đau bụng, mẹ chồng chị cũng bị tương tự đau bụng, đi ngoài phân lỏng và nôn.
Nghĩ đến ngộ độc thực phẩm, cả nhà chị cùng vào viện truyền dịch thải độc mất 2 ngày mới được ra viện.
Lúc kiểm tra, bác sĩ cho rằng gia đình chị bị ngộ độc thực phẩm do bát canh cua từ hôm trước bị nhiễm khuẩn. Chị H. kể dù đã đậy bằng màng bọc thực phẩm nhưng bát canh vẫn bị vi khuẩn tấn công.
PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh, Chuyên gia Dinh dưỡng Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết rất nhiều người bị ngộ độc vì chính thói quen bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh. Nhiều người còn quan niệm tủ lạnh là nơi tuyệt vời, sạch sẽ nhất để chứa thực phẩm mà quên mất rằng đây là ổ vi khuẩn.
Việc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh là biện pháp thông dụng nhất hiện nay nhưng PGS Ninh cho biết dù là thực phẩm tươi sống hay thực phẩm đã nấu chín sẽ mất đi vitamin và muối khoáng. Nếu không biết cách bảo quản, hàm lượng dinh dưỡng sẽ thấp, dễ bị nhiễm khuẩn và ngộ độc thức ăn là điều bình thường.
PGS Ninh cho biết có trường hợp thực phẩm để trong tủ lạnh hai ba ngày lấy ra và ăn luôn kết quả 2 giờ sau bụng đau, đi ngoài cũng không biết nguyên nhân là gì. Chỉ khi tới viện bác sĩ cho biết ngộ độc thực phẩm bệnh nhân còn cho rằng đã bảo quản trong tủ lạnh thì thiu với nhiễm độc sao được.
Cách bảo quản thực phẩm an toàn
Theo PGS Ninh, để bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh an toàn ngoài thói quen vệ sinh thường xuyên tủ lạnh, tránh để tủ trở thành nơi chứa ổ vi khuẩn, vi trùng gây ngộ độc thì việc phân chia thực phẩm và cách bảo quản từng loại thực phẩm cũng hết sức quan trọng.
Với những thực phẩm đã nấu chín, cần đưa vào tủ lạnh cất giữ trong vòng 2 giờ, nếu để ở ngoài hơn 2 giờ thì không nên cất giữ trong tủ lạnh đặc biệt các món giàu dinh dưỡng như trứng, giò, thịt...
Khi để thực phẩm trong tủ lạnh, tốt nhất nên chia thành các lượng vừa đủ cho một lần dùng. Khi lấy thực phẩm ra khỏi tủ lạnh nên chế biến ngay, không được lấy ra rồi lại đưa vào bảo quản tiếp vì trong quá trình rã đông vi khẩn rất dễ xâm nhập.
PGS Ninh cho biết nhiều gia đình mua cả cân thịt bò, thịt lợn về cho chung một túi xong lần nào ăn cũng mang rã đông cả túi to rồi lại cho vào tủ lạnh. Điều này khiến thực phẩm mất chất dinh dưỡng và vi khuẩn có cơ hội xâm nhập. Chính vì thế, PGS Ninh khuyến cáo nên chia nhỏ ăn theo bữa nhất định.
Nguyên tắc bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh tiếp theo là tuyệt đối không được đưa thực phẩm vào bảo quản trong tủ lạnh khi còn nóng. Thói quen này có thể làm tăng nhiệt độ của tủ lạnh và làm các thực phẩm khác tăng nhiệt tạo môi trường cho vi khuẩn xâm nhập gây hỏng thực phẩm.
Trước khi đưa thực phẩm vào ngăn bảo quản cần đóng gói, đóng hộp cẩn thận, kín tránh xâm nhập của vi khuẩn.
Đối với thực phẩm chín, PGS cho rằng thời gian bảo quản trong tủ lạnh tối đa cũng chỉ nên sử dụng trong vòng 3 ngày.
Ngoài ra, không nên để chung thực phẩm tươi sống và thực phẩm đã nấu chín, vì có thể sẽ gây nhiễm khuẩn chéo.
Theo PGS Ninh, không nên cho cơm vào tủ lạnh. Vi khuẩn Bacillus cereus sẽ sinh sôi, có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, nôn và bệnh tiêu chảy.
Các loại rau củ (cà rốt, bí đỏ, dưa, hành,...) là những loại có thể lưu trữ ở nhiệt độ phòng, những nơi thoáng mát.