Tỏi là gia vị quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. Những món ăn có tỏi luôn mang đến sự ngon miệng, hấp dẫn và nhiều thành phần dinh dưỡng.
Không chỉ giúp tăng thêm hương vị cho món ăn, bổ sung tỏi vào bữa ăn hàng ngày giúp tăng sức đề kháng, ngừa ung thư cực hiệu quả. Tỏi còn được dùng để chữa trị nhiều căn bệnh thường gặp như: Cảm, viêm xoang,...
Tuy nhiên, khi ăn tỏi, hơi thở thường có mùi hôi do các hợp chất lưu huỳnh gây ra. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc uống nước để loại sạch những mảnh tỏi bị mắc kẹt trong răng hoặc lưỡi, bạn hãy làm những cách dưới đây.
Ăn lá rau mùi (ngò rí)
Sau khi ăn tỏi, hãy ăn thêm một ít rau mùi để loại bỏ mùi hôi. Nhờ các thành phần diệp lục và polyphenol kết hợp với chất lưu huỳnh trong tỏi giúp trung hòa mùi hôi. Ngoài ra, bạn có thể, ăn húng quế, húng tây, bạc hà, thì là,... để khử mùi hôi của tỏi.
Sữa tươi và trà xanh
Uống một ít sữa tươi trước hoặc sau khi ăn tỏi có tác dụng khử sạch mùi hôi cực hiệu quả. Nhiều nghiên cứu cho thấy sữa sẽ trung hòa lưu huỳnh trong tỏi. Đặc biệt, dùng sữa nguyên chất sẽ có hiệu quả cao hơn.
Bạn có thể dùng trà xanh để khử mùi hôi khi ăn tỏi. Nhờ giàu thành phần polyphenol, trà xanh khử sạch mùi tỏi nhanh chóng và ít tốn kém.
Nước chanh
Không chỉ tốt cho sức khỏe, chanh còn có tác dụng khác mà bạn không ngờ tới là khử mùi hôi của tỏi. Axit từ chanh sẽ trung hòa enzyme gây mùi được giải phóng từ tỏi là alliinase, giúp hơi thở không còn mùi hôi.
Ngoài ra, sau bữa ăn có tỏi, hãy nhai một ít kẹo cao su bạc hà để khử mùi hôi, loại bỏ vi khuẩn và mảng bám, đồng thời, mang lại sự tươi mát trong miệng.
Lưu ý, không nên nhai kẹo cao su bạc hà quá lâu để tránh các thành phần trong kẹo gây hôi miệng trở lại. Đồng thời, nên sử dụng lượng tỏi vừa phải để tránh mắc các bệnh tiêu hóa như: Rối loạn tiêu hóa, đau dạ dày, tắc ruột,...