Nguy kịch vì cúm thường
PGS Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết mới đây Khoa hồi sức tích cực của bệnh viện này đã tiếp nhận trường hợp nam bệnh nhân L.Đ.C. (64 tuổi, Sơn Tây, Hà Nội).
Trước đó vài ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt cao, ho khan và khó thở. Bệnh nhân đã được đưa đi khám bác sĩ cho thuốc điều trị nhưng không đỡ. Bệnh nhân C. nhập viện trong tình trạng khó thở, ý thức chậm, đã được đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp.
Các bác sĩ đã phải tiến hành điều trị tích cực với các kỹ thuật hiện đại nhất song tiên lượng sống của bệnh nhân còn rất dè dặt.
Trường hợp khác, bệnh nhân N.V.H. (45 tuổi, quê huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng suy đa phủ tạng. Bệnh nhân H. trước đó cũng bị các dấu hiệu cảm cúm như ho, hắt hơi, sổ mũi, nhức mỏi toàn thân. Vì nghĩ chỉ bị cúm thông thường nên không đi viện. Chỉ đến khi đau tức ngực, khó thở bệnh nhân mới được đưa vào viện.
Khi vào viện, PGS Cơ cho biết anh H. đã biến chứng suy đa phủ tạng và nhanh chóng rơi vào nguy kịch. Anh H. được các bác sĩ tiến hành chạy tim phổi nhân tạo (ECMO), máy lọc máu liên tục, thở máy để mong giữ được tính mạng nhưng tiên lượng cũng rất thấp.
Ngay sau đó, các bác sĩ đã lấy mẫu máu đi xét nghiệm và đến ngày 10/2 theo kết quả của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cả hai trường hợp đều dương tính với virus cúm A/H1N1 (hay còn gọi là cúm mùa).
Trước đó, PGS Cơ cho biết khoa Hồi sức tích cực cũng cấp cứu cho một thai phụ mang thai 26 tuần bị cúm. Bệnh nhân tưởng cúm thường và cố thủ không điều trị. Chỉ đến khi đau tức ngực, không thở được mới đưa đi cấp cứu.
Khi vào viện, bệnh nhân nhanh chóng bị suy đa phủ tạng. Vi rút cúm tấn công vào phổi và suy đa tạng sau 13 ngày điều trị tích cực gia đình đã xin cho bệnh nhân về vì cơ hội sống quá thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn trong khi chi phí điều trị bệnh cao.
Dấu hiệu của bệnh cúm
PGS Đào Xuân Cơ cho biết các dấu hiệu của cúm mùa A/H1N1 có thể mắc rải rác quanh năm bệnh do vi rút gây ra và đa số là tự khỏi. Tuy nhiên thời gian gần đây cũng có nhiều người bị cúm kèm theo biến chứng nguy hiểm nếu người bệnh không biết cách phòng ngừa bệnh.
Theo PGS Cơ, bệnh cúm mùa thường lây truyền qua đường hô hấp, người lành có thể mắc bệnh trực tiếp khi hít phải giọt bắn nước mũi, nước bọt khi người bệnh hắt hơi, ho.
Hoặc gián tiếp qua bàn tay khi cầm nắm các vật dụng có nhiễm nước mũi, nước bọt của bệnh nhân (thành giường, tay nắm cửa, điện thoại…) hoặc do dùng chung dụng cụ với bệnh nhân (cốc chén, bát đũa, thau chậu…).
Vào mùa xuân - mùa lễ hội, các bác sĩ lo lắng tình trạng tụ tập đông người, chơi xuân, các điểm lễ hội luôn là nơi tiềm ẩn nguy cơ nhiễm vi rút cúm. Chính vì thế, PGS Cơ khuyến cáo không nên tụ tập nơi đông người nhất là đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, càng tránh xa nơi đông người càng tốt.
Khi bị cúm khởi phát 3 ngày đầu với triệu chứng hắt hơi, sổ mũi,nhức đầu, đau nhức người, uống thuốc cảm cúm không đỡ cần nhanh chóng tới các cơ sở y tế để được thăm khám và phòng biến chứng của bệnh sớm nhất có thể.
Bác sĩ Cơ nhấn mạnh người bệnh không nên ở nhà đến khi khó thở, đau tức ngực thì đến bệnh viện đã muộn vì rất nhiều bệnh nhân khi thấy khó thở vào viện đã nhanh chóng suy hô hấp, suy đa phủ tạng.
Ngoài ra, PGS Cơ cho biết mọi người có thể tiêm phòng cúm. Đặc biệt là người già, trẻ nhỏ, người suy giảm miễn dịch thì việc tiêm phòng vắc xin phòng cúm càng quan trọng.
Tại gia đình, nhà trường cần thực hiện vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay xà phòng, vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường.
Khi đến những nơi đông người như trung tâm thương mại, lễ hội… mọi người nên đeo khẩu trang y tế để phòng vi rút cúm.