Thực dưỡng còn được biết đến với tên gọi chế độ ăn thực dưỡng Ohsawa, được hiểu nôm na là cách ăn uống và sinh hoạt điều độ phù hợp với đồng hồ sinh học của cơ thể. Những người theo chế độ ăn thực dưỡng được khuyến khích ăn thường xuyên các loại thức ăn có nguồn gốc thực vật, nhai thức ăn thật kỹ trước khi nuốt, lắng nghe cơ thể, sống năng động và duy trì tinh thần hạnh phúc.
Người áp dụng chế độ ăn thực dưỡng sử dụng ngũ cốc để làm thực phẩm chính. Ở Việt Nam, mọi người thường ưu tiên lựa chọn chế độ ăn gạo lứt - muối mè (muối vừng) làm chủ đạo vì những tính năng vượt trội và phù hợp với thói quen ăn uống của người Việt.
1. Một số lợi ích sức khỏe của chế độ ăn gạo lứt muối mè
Những người áp dụng chế độ ăn thực dưỡng thường sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh và đậu, nấm…. Đây đều là những loại thực phẩm lành mạnh, ít chất béo, giàu chất xơ, đặc biệt nhiều chất chống oxy hóa nên có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu…
Chế độ ăn gạo lứt muối mè bao gồm cơm nấu gạo lứt và vừng rang giã muối. Nhiều người cũng tin rằng chế độ ăn thực dưỡng trong đó có ăn kiêng gạo lứt muối mè có thể giúp phòng tránh hoặc chữa khỏi một số bệnh ung thư nhất định.
Về dinh dưỡng, gạo lứt và mè là 2 loại thực phẩm rất tốt vì chứa nhiều chất dinh dưỡng: đạm thực vật, vitamin nhóm B, canxi, chất xơ… Gạo lứt là một loại ngũ cốc nguyên hạt chỉ bỏ đi lớp trấu ngoài cùng, lớp cám của gạo lứt chứa nhiều chất xơ, vitamin nhóm B nên từ đó có thể giúp cải thiện mỡ máu , cân nặng, đường huyết…
2. Những ngộ nhận về chế độ ăn gạo lứt muối mè
Xét về bản chất thì phương thức ăn chay khá tốt, nó chỉ trở nên tiêu cực khi chúng ta thực hiện một cách mù quáng. Có một điều đáng quan ngại là nhiều người theo chế độ ăn thuần thực vật lại không hiểu mục đích sâu xa của việc ăn chay, dẫn đến sức khỏe không đảm bảo, dễ mắc bệnh tật, thiếu vi chất.
Gạo lứt, muối mè là nguồn thực phẩm tốt nhưng không tốt đến mức "siêu việt" như những lời đồn thổi. Khi thực hiện theo chế độ ăn thực dưỡng, nếu áp dụng khéo léo sẽ giúp ổn định đường huyết, giảm nguy cơ mắc một số bệnh tim mạch, gout…. nhưng nếu ăn kéo dài mà không kết hợp các thực phẩm khác sẽ dẫn đến thiếu dinh dưỡng và vi chất.
Phương pháp ăn chay này khá tương đồng với quan điểm dinh dưỡng cân bằng ở đặc điểm ăn nhiều rau, trái cây, các loại đạm thực vật, ưu tiên ăn các loại hạt... Nếu được thực hiện đúng cách, phương thức này mang lại rất nhiều giá trị như giúp bảo vệ tim mạch, giảm nguy cơ đái tháo đường, giảm nguy cơ ung thư và một số bệnh mạn tính khác...
Nhưng đây chưa phải là phương pháp dinh dưỡng tối ưu, đây mới chỉ là phương pháp tốt, bởi phương pháp này còn tiềm ẩn một số hạn chế như việc thiếu sự có mặt của đạm động vật sẽ thiếu đi nguồn đạm có giá trị sinh học cao vốn rất quan trọng cho trẻ em, người bệnh, người cao tuổi. Bên cạnh đó, ăn chay theo phương thức này cũng làm thiếu một số loại vitamin, khoáng chất hoặc hấp thu chúng ở mức thấp hơn so với ăn "mặn" đặc biệt là vitamin B12.
Nếu áp dụng phương pháp này trong một thời gian dài có thể dẫn đến rối loạn biểu đồ dinh dưỡng và suy yếu sức đề kháng vì chỉ ăn gạo lứt muối mè khiến cơ thể thiếu chất đạm và chất béo . Vì vậy, thay vì suy nghĩ làm sao để thải độc thì chúng ta hãy ăn đa dạng các loại thực phẩm cả động vật và thực vật, ưu tiên thịt trắng, tăng cường nhiều rau xanh, trái cây. Bớt chiên, nướng thực phẩm, hạn chế tối đa đường tinh luyện và các thực phẩm chế biến sẵn và các lối sống lành mạnh khác. Việc duy trì chế độ ăn "khắc khổ" như gạo lứt muối mè, thậm chí là nhịn ăn chỉ làm cơ thể thiếu chất và làm sức khỏe trở nên tồi tệ hơn mà thôi.