Paracetamol dạng uống là thuốc thuộc nhóm giảm đau, hạ sốt và nằm trong danh mục thuốc không kê đơn của Bộ Y tế. Chính vì vậy, Paracetamol rất phổ biến trên thị trường với nhiều chế phẩm có dạng bào chế và hàm lượng từ thấp đến cao.
Tác dụng chính của chúng là giảm đau, hạ sốt nên thuốc được sử dụng rộng rãi trong điều trị các chứng đau và sốt từ nhẹ đến vừa như: cảm cúm, nhức đầu, đau bụng, đau nhức…
Cách dùng Paracetamol
Các chế phẩm Paracetamol dạng uống có rất nhiều dạng bào chế như gói, chai, viên… với các hàm lượng từ thấp đến cao (80 mg-500 mg).
Đối với người lớn, dùng thuốc thường tính theo viên. Người lớn thường dùng 1-2 viên 500 mg cho mỗi lần và dùng 3-4 lần trong 24 giờ (tức trong một ngày) và không được dùng quá 4 g/ngày.
Với trẻ em, đây là đối tượng đặc biệt nên được cho dùng với liều thường tính theo mg thuốc/kg cân nặng của trẻ. Tức là đối với Paracetamol trẻ được cho dùng với liều mỗi lần 10-15 mg Paracetamol/kg cân nặng của trẻ.
Tùy cân nặng của trẻ sẽ tính ra liều cho mỗi lần dùng. Ví dụ, trẻ cân nặng 10 kg sẽ dùng mỗi lần 100-150 mg Paracetamol.
Liều Paracetamol mỗi lần dùng cho mọi lứa tuổi của trẻ là 10-15 mg/kg nhưng số lần dùng tính cho cả ngày là 24 giờ tùy lứa tuổi có khác. Trẻ sơ sinh dùng liều 10-15 mg/kg cho mỗi lần và cách 6-8 giờ dùng một lần, tức trong ngày dùng 3-4 lần.
Trẻ lớn hơn cũng dùng liều như trẻ sơ sinh nhưng nhịp cho thuốc gần hơn, cách 4-6 giờ dùng một lần, tức trong ngày dùng 4-6 lần nhưng kèm theo có lời khuyên không dùng quá 5 lần trong vòng 24 giờ.
Dạng sử dụng của các thuốc dạng uống có thể là viên nén, viên nang, ống uống hoặc gói bột pha dung dịch. Tùy theo độ tuổi trẻ, bạn nên chọn các chế phẩm có hàm lượng thích hợp để số lượng thuốc sử dụng trên một lần dùng ít nhất có thể.
Thức ăn làm ảnh hưởng đến hấp thu Paracetamol, do đó bạn nên sử dụng thuốc cách bữa ăn khoảng từ 30 phút đến 1 giờ.
Người dân chỉ nên sử dụng Paracetamol khi thật cần thiết như sốt nhẹ hoặc vừa (< 39,5 độ C), đau nhức, đau đầu… Chú ý đọc kỹ tờ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc.
Mọi người không sử dụng cho người dị ứng với thuốc, người suy gan nặng. Tránh uống rượu bia trong quá trình sử dụng thuốc.
Ngoài ra, người dân không được dùng Paracetamol để tự điều trị giảm đau quá 10 ngày ở người lớn hoặc quá 5 ngày ở trẻ em, trừ khi có chỉ định của thầy thuốc.
Trường hợp xuất hiện các biểu hiện quá liều như đau đầu nhiều, đau bụng, buồn nôn, nôn, kích động hoặc lơ mơ… sau khi dùng thuốc 2-3 giờ cần dừng thuốc ngay và đến các bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để xử trí kịp thời.
Liều gây ngộ độc của Paracetamol
Việc Paracetamol được sử dụng rộng rãi cùng với tâm lý chủ quan, thiếu nhận thức dẫn đến việc quá liều thuốc gây nên các tác dụng phụ không mong muốn. Trong đó, nguy hiểm nhất là tình trạng hoại tử gan, có thể dẫn đến tử vong nếu không được xử trí kịp thời.
Nguyên nhân gây ngộ độc gan khi sử dụng Paracetamol quá liều là nồng độ NAPQI (sinh ra do Paracetamol chuyển hóa qua gan) không thể chuyển hóa hết và tích luỹ gây độc cho gan. Các biểu hiện ngộ độc gan có thể là buồn nôn, nôn, đau bụng. Sau đó, nguy kịch hơn có thể kích động, hôn mê, mạch huyết áp không ổn định… nguy cơ tử vong.
Liều gây ngộ độc của Paracetamol là 7,5-10 g/ngày, trong 1-2 ngày. Các chế phẩm Paracetamol hiện nay trên thị trường khuyến cáo liều dùng cho người lớn không quá 4 g/ngày. Với trẻ em, mức liều này nhỏ hơn, càng nhỏ tuổi liều tối đa càng thấp.
Ngoài ra, các tác dụng phụ khi sử dụng Paracetamol tương đối ít vì thuốc khá an toàn khi sử dụng với liều phù hợp, hiếm gặp có thể ban da, buồn nôn...
Bia, rượu, thuốc chống co giật (carbamazepin), thuốc chống lao (isoniazid) khi dùng cùng Paracetamol làm tăng độc tính với gan nên cần chú ý khi sử dụng chung với nhau.
Tóm lại, Paracetamol loại loại thuốc hạ sốt, giảm đau thông dụng, hiệu quả cao. Tuy nhiên, việc sử dụng đúng và hợp lý là rất quan trọng, vừa góp phần nâng cao tác dụng điều trị của thuốc, mặt khác hạn chế các tác dụng không mong muốn cho bản thân người sử dụng.