Một nghiên cứu gần đây cho thấy, nước ngọt có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Theo Healthline, trong nghiên cứu được trình bày tại ENDO 2022, cuộc họp thường niên của Endocrine Society's, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu từ năm 2017 và 2018 được thu thập từ Khảo sát Kiểm tra Sức khỏe và Dinh dưỡng Quốc gia.
Trong số 3.292 người tham gia cho thấy, 70% người tham gia nghiên cứu bị bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cũng có chế độ ăn uống chứa nhiều đường fructose. Mặt khác, những người tiêu thụ ít đường fructose ít có nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến gan hơn.
Điều này khiến các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, được tìm thấy trong nước ngọt, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Bên cạnh đó, chuyên gia dinh dưỡng Alyssa Wilson, tại Signos Health cho biết: "Khi bạn tiêu thụ một lon coca cola trung bình chứa khoảng 39 gam đường — tương đương việc bạn ăn 10 muỗng cà phê đường. Điều này cung cấp cho bạn một lượng calo rỗng mà hoàn toàn không có chất dinh dưỡng. Vì đây là dạng lỏng, nên khi uống soda sẽ cung cấp lượng đường nhanh chóng đưa vào máu. Điều này thúc đẩy lượng đường trong máu tăng đột biến, có thể dẫn đến các triệu chứng như cáu kỉnh, đói, cảm giác thèm ăn..."
Ngoài ra, Wilson giải thích rằng uống soda thường xuyên, đặc biệt là những loại có chứa xi-rô ngô fructose cao, có liên quan đến việc gia tăng các tình trạng sức khỏe mãn tính như béo phì, tiểu đường loại 2 và bệnh tim, cũng như gan nhiễm mỡ không do rượu.
Wilson cũng lưu ý rằng, khi nói đến nước ngọt dành cho người ăn kiêng, chất làm ngọt nhân tạo không tốt hơn nhiều, vì một số nghiên cứu cho thấy chúng có liên quan đến rối loạn chuyển hóa glucose, tăng lượng calo và tăng cân, theo Eat This, Not That.